Trị bệnh héo vàng lá cho cây chuối

Văn Dân 12/09/2020 15:00

Chuối là cây trồng phổ biến khắp nơi trên đất nước ta. Từ lâu, cây chuối đã là loại cây ăn quả quen thuộc. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo từ trồng chuối. Tuy nhiên, nếu không đề phòng, khi chuối bị bệnh vàng lá thì cũng sẽ gây ra thiệt hại lớn.

Không để bệnh héo vàng là trên cây chuối lan rộng.

Ở làng Kon Lỗ (xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), một số hộ nông dân đã có cuộc sống sung túc nhờ trồng chuối trên đồi.

Tại đây, khi trước bà con sử dụng đất đồi trồng cây đào lộn hột (cây điều). Nhưng sau đó, một số hộ chuyển sang trồng chuối, cho thu nhập cao hơn. “Trồng chuối ít vốn, nhưng làm bài bản thì thu hồi vốn nhanh nhất. Mặt khác, cây chuối rừng không ai chăm sóc mà phát triển xanh tốt, thì lý gì cây chuối mình trồng không được?”, ông Hùng, một nông dân làng Kon Lỗ nói.

Kinh nghiệm của bà con khi cải tạo đất đồi để trồng chuối là đào mỗi hố rộng 0,8 mét, sâu 0,5 mét, sau đó trồng chuối thì cây sẽ phát triển tốt. Cây chuối con thường là cao 1 mét, được cắt rễ sát gốc trước khi trồng.

Khi mưa nhiều, người trồng chuối cắt và dọn sạch lá khô dưới gốc để tránh chuối bị úng nước, hư hại. Những ngày nắng kéo dài thì lại tấp lá khô vào gốc chuối giữ ẩm. Đến khi cây chuối lớn thì ông bỏ phân bón mỗi gốc 400 gr NPK và thêm ít kali cho quả ngọt, chín vàng.

Cứ như vậy đến khoảng 8 tháng thì chuối cho buồng. Lúc này, bà con chỉ để mỗi gốc chuối mẹ 3 - 4 cây con, không để hai cây con liền nhau, nhằm bảo đảm dinh dưỡng cho chuối mẹ, cho quả to và nhiều nải.

Cán bộ xã Đăk Tờ Lung cho biết, cây chuối không mới trên đất này nhưng từ khi được trồng đúng cách trên diện rộng thì đã cho thu nhập cao hơn. Bà con Xê Đăng trong vùng nhờ đó mà có thu nhập khá hơn.

Tuy nhiên, cây chuối không phải là không mắc bệnh, ảnh hưởng xấu tới năng suất cũng như chất lượng kh ithu hoạch. Nhất là bệnh héo vàng lá.

Bệnh héo vàng lá chuối do nấm Fusarium Oxysporum là bệnh nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất chuối. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), sản xuất chuối (nhất là với giống chuối tiêu) sẽ gặp khó khăn khi cây trồng mắc bệnh héo vàng (còn gọi là bệnh héo rũ Panama hay bệnh Panama).

Các nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu rau quả cho thấy, nấm Foc chủng 4 gây hại rất dữ dội trên cây chuối tiêu, nhưng biểu hiện mờ nhạt trên chuối tây. Do đó trên đất trồng chuối tiêu bị héo vàng nặng, chuối tây vẫn có thể đạt hiệu quả trong thời gian đầu. Từ đó, khi thấy lá cây chuối tiêu bị héo vàng thì có thể chuyển sang trồng chuối tây, và ngược lại. Đây cũnglà một biện pháp quản lý bệnh héo vàng có thể áp dụng biện pháp luân canh giữa nhóm chuối tiêu và chuối tây.

Nhưng quan trọng hơn là phải tiến hành các biện pháp xử lý đất, sử dụng chế phẩm sinh học và một số thuốc hóa học đều có khả năng hạn chế bệnh héo vàng. Trong đó có thể áp dụng các việc: Đốt trấu hun đất ở vị trí gốc chuối bị bệnh và xử lý ngập nước 3 tháng; xử lý dung dịch nấm Trichoderma và dung dịch tỏi nghiền có tác dụng hạn chế bệnh héo vàng, trong đó xử lý dung dịch Trichoderma cho hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, một số thuốc khác có khả năng hạn chế bệnh héo vàng gây hại trên chuối là Benzimidazole (Benomyl), Hosavil (Hexaconazole)...

Với bà con trồng chuối, cách tốt nhất khi thấy cây bị héo vàng lá thì cần xin ý kiến của cán bộ nông nghiệp, không để bệnh trên cây chuối lan rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh héo vàng lá cho cây chuối