Gần Tết, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lại gia tăng. Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết về vấn đề này.
PV: Thưa ông, cứ đến gần Tết hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại gia tăng. Tại sao không ngăn chặn được, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Sinh: Ở đây có câu chuyện phải phối hợp đồng bộ, làm tốt giữa 3 yếu tố là: Nhà nước - nhà sản xuất - người tiêu dùng. Về phía Nhà nước phải ban hành được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của từng loại sản phẩm, ban hành khung về mặt chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để các nhà sản xuất phải tuân thủ theo.
Cũng cần phải phân tích, dự báo, theo dõi xem những loại hàng nào dễ bị lợi dụng làm giả, làm nhái. Đồng thời, đội ngũ quản lý thị trường, hải quan cần tăng cường thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm.
Với nhà sản xuất, trên cơ sở chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được Nhà nước ban hành theo khung, nhà sản xuất phải minh bạch và ban hành tiêu chuẩn theo sản phẩm. Tức là bản thân nhà sản xuất phải có biện pháp để bảo vệ chính sản phẩm của mình. Bây giờ là công nghệ 4.0, người dân có điện thoại thông minh chỉ cần quét là có thể phát hiện được ngay xuất xứ nguồn gốc sản phẩm.
Về phía người tiêu dùng, cũng cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm và năng lực tiêu dùng của chính mình. Nếu vẫn sử dụng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thì đương nhiên hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn sẽ tồn tại bởi có “cung” thì ắt có “cầu”. Ví dụ một chiếc túi xách chính hiệu có giá vài triệu đồng nhưng lại bán chỉ vài trăm nghìn thì rõ ràng đó là hàng nhái, hàng giả. Nếu không mua thì người ta cũng chẳng sản xuất ra làm gì nữa.
Thưa ông, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện cũng có trách nhiệm của lực lượng chức năng, chưa nói đến sự tiếp tay cho sai phạm. Vẫn tồn tại tình trạng đó phải chăng là do xử lý không nghiêm?
-Đây chính là vấn đề “gốc”. Bởi chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái có vai trò của các tổ chức, lực lượng chức năng, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Bởi hàng lậu, hay sản xuất hàng giả, nhái phải có địa điểm, vị trí để tập kết và phân phối hàng. Vừa rồi đã bắt giữ được một loạt kho chứa hàng hóa nhập lậu tại các tỉnh biên giới Lào Cai, Quảng Ninh.
Vấn đề đặt ra là các đối tượng thuê hàng nghìn m2 đất để làm kho tập kết vậy tại sao không phát hiện được? Rõ ràng có trách nhiệm của lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở còn thiếu chặt chẽ.
Giải pháp có rất nhiều, song chính là do xử lý trách nhiệm không đến nơi, đến chốn, vẫn có sự tiếp tay nhất định của một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Theo tôi đó là do buông lỏng quản lý.
Như vậy, theo ông, nếu xử lý nghiêm những hành vi tiếp tay thì sẽ dẹp được nạn buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại?
-Đúng vậy, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và việc tiếp tay cho vi phạm. Phải làm đến nơi, đến chốn. Bên cạnh đó cũng cần động viên, khen thưởng kịp thời đối với người phát hiện ra những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Phát hiện càng lớn thì thưởng phải càng lớn. Đó là trong quản lý nhà nước, tuy nhiên cũng rất cần tuyên truyền để người tiêu dùng nhận thức rõ hơn việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái cũng là tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi hàng lậu, hàng giả, hàng nhái gây hại cho đất nước và cho chính bản thân người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!