Chương trình máy tính của Google có tên AlphaGo đã bất ngờ đánh bại đối thủ là một con người, vô địch cờ vây người Hàn Quốc Lee Sedol, trong trận đấu mở màn lịch sử gồm 5 ván đấu giữa con người và máy tính hôm 9/3.
AlphaGo tạm dẫn trước 1-0 trước kỳ thủ Lee Sedol. (Nguồn: AP).
Chiến thắng của AlphaGo trong trò chơi cổ xưa mà người Trung Quốc phát minh ra được cho là bước đột phá trong công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), cho thấy rằng chương trình được phát triển bởi Google DeepMind có thể chơi tốt một trong những trò chơi phức tạp và sáng tạo nhất của thế giới.
Các nhà bình luận nói rằng trận đấu rất sát nút, khi cả AlphaGo và kỳ thủ cờ vây Lee đều có một số nước đi lỗi. Kết quả vẫn khó đoán cho đến khi gần kết thúc các ván đấu. Thất bại của Lee được xem là một cú sốc cho người dân Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người hâm mộ cờ vây nói chung. Cách đây 2 tuần, kỳ thủ 33 tuổi hoàn toàn tự tin vào chiến thắng, nhưng 1 ngày trước trận đấu dường như anh đã bớt lạc quan hơn.
“Tôi đã rất bất ngờ bởi không nghĩ rằng sẽ thua trận đấu. Một nước đi lỗi ngay đầu ván đã khiến tôi trả giá” - Lee, người từng 18 lần giữ chức vô địch cờ vây thế giới, nói.
Được biết hàng trăm nghìn người trên thế giới đang theo dõi loạt trận đấu được tường thuật trực tiếp này trên TV và Youtube. 4 ván đấu còn lại trong loạt trận này sẽ kết thúc vào thứ Ba tuần sau.
Máy tính đã bắt đầu thống lĩnh môn cờ từ năm 1997 sau một ván đấu giữa chương trình Deep Blue của IBM và vô địch cờ vua Garry Kasparov. Giám đốc phát triển DeepMind, Demis Hassabis nói rằng, chỉ còn môn cờ vây là môn cờ duy nhất còn sót lại.
Được biết các tuyển thủ cờ luôn dựa chủ yếu vào trực giác của mình để lựa chọn các nước đi trong cờ vây, bởi vậy mà khiến trò chơi này rất thách thức đối với trí thông minh nhân tạo. Các chuyên gia trong lĩnh vực AI từng dự đoán rằng sẽ phải mất một thập kỷ nữa để máy tính đánh bại được các kỳ thủ cờ vây.
Nhưng điều đó đã thay đổi khi AlphaGo đánh bại một kỳ thủ cờ vây người châu Âu hồi năm ngoái. Kể từ đó, khả năng chơi cờ của AlphaGo đã liên tục được cải thiện. Được biết, đội ngũ của dự án DeepMind đã xây dựng cơ chế “học hỏi tăng cường”, giúp AlphaGo có thể tự chơi với chính mình và điều chỉnh cách chơi của mình.
Việc một chương trình AI như AlphaGo có thể chiến thắng con người cho thấy máy tính có thể bắt chước cả trực giác của con người và hoàn thành được các nhiệm vụ phức tạp hơn, đội ngũ lập trình DeepMind nhận định.