Triển khai biện pháp cấp bách bảo vệ khẩn cấp đàn Voọc quý hiếm

Tấn Thành- Chí Đại 10/08/2017 14:12

Ngày 10/8, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam cho biết, đang triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám sinh sống biệt lập tại tại Hòn Dồ thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Một số cá thể Voọc chà vá chân xám ở núi Hòn Dồ.

Đây là đàn Voọc chà vá mà Đại Đoàn Kết đã có bài “Cần nhanh chóng bảo vệ các quần thể voọc chà vá chân xám” (số ra ngày 2/7/2017) phản ánh về quần thể voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái làm mất dần môi trường sinh sống, số lượng tụt giảm nhưng chưa có giải pháp bảo tồn.

Theo đó, đàn Voọc chà vá này có khoảng 16-20 cá thể đang sinh sống trên diện tích rừng tự nhiên nghèo hơn 5ha ở xã Tam Mỹ Tây.

Qua trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Chi cục Kiểm lâm đã theo dõi đàn Voọc chà vá từ những năm 2000.

Các cá thể Voọc chà vá chân xám đang kiếm thức ăn tại núi Hòn Dồ.

Hiện để bảo tồn và phát triển đàn Voọc chà vá này, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; đồng thời giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động của đàn Voọc chà vá chân xám về số lượng, vùng hoạt động, kết hợp với công tác tuần tra chống săn bắt và phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại khu vực này...

Ông Đức cho biết: “Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng khoảng 80 ha kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà, huyện Núi Thành để tạo sinh cảnh cho đàn Voọc sinh sống; thay thế các diện tích rừng trồng bằng loài cây bản địa được xác định là nguồn thức ăn của voọc”.

Ông Đức cũng cho rằng, để bảo tồn và phát triển đàn voọc, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuần tra, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ thiên nhiên nhằm ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa đối với động vật hoang dã.

Được biết, theo khảo sát, tại Quảng Nam, Voọc chà vá chân xám sinh trưởng tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn,… với số lượng quần thể không nhiều, quần thể số lượng lớn nhất hơn 200 cá thể tập trung tại khu vực rừng Hòn Mỏ, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai biện pháp cấp bách bảo vệ khẩn cấp đàn Voọc quý hiếm