Làm sao đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 là một trong những thách thức đang đặt ra với ngành giáo dục thủ đô Hà Nội. Trong đó, quá tải trường lớp là vấn đề được đề cập lâu nay song vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.
Ảnh minh họa.
So với năm học 2019-2020, số liệu điều tra sơ bộ về số lượng học sinh (HS) trong độ tuổi đến trường của thủ đô Hà Nội có xu hướng tăng trong năm học 2020-2021. Cụ thể, tổng số trẻ dự kiến tuyển vào các trường mầm non trên địa bàn thành phố là hơn 623.000 trẻ; các trường tiểu học tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 HS, tăng 9.500 HS; các trường THCS tuyển vào lớp 6 khoảng 135.000 HS, tăng 6.200 HS so năm học 2019 - 2020.
Việc xây nhà “quên” xây trường khiến cho áp lực về sĩ số của các lớp học trên địa bàn đông dân cư diễn ra lâu nay với 50, thậm chí 60 HS một lớp là điều ai cũng nhìn thấy nhưng chưa thể thay đổi. Bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con theo học trường tư thục do chi phí đắt đỏ hơn. Tới đây, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu những lớp học có số lượng gần gấp đôi quy định là 35 HS/lớp tiểu học thì sẽ khó đạt hiệu quả giáo dục như kỳ vọng.
Dự kiến việc tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội được thực hiện từ tháng 6/2020. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tuyển sinh đã được các địa phương, nhà trường triển khai tích cực bằng việc nỗ lực xây dựng mới và cải tạo nhiều trường, phòng học, nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho HS.
Phương án của quận Hà Đông trước tình hình HS lớp 1 năm nay tiếp tục gia tăng so với năm học trước là xây dựng thêm hai trường tiểu học, nâng tổng số trường tiểu học của toàn quận lên 38 trường. Đồng thời, hầu hết các nhà trường cũng đang rà soát cơ sở vật chất để đề xuất cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm phòng học mới.
Trong khi đó, UBND quận Ba Đình đã đề xuất với TP Hà Nội và Bộ Xây dựng về nâng tầng trường học với nguyên tắc phải bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, thuận tiện cho HS lên hàng đầu…
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến năm học 2020-2021 không còn nhiều trong khi để được cấp phép một dự án xây dựng trường học phải qua rất nhiều khâu. Trên thực tế, đề xuất nâng tầng trường học trước đó đã được đặt ra với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, hầu hết ý kiến đồng tình với việc ở những địa phương khó khăn về diện tích đất xây trường, mở rộng phòng học như Hà Nội, TP HCM, Bộ GDĐT cho phép nâng tầng trường học khi đủ điều kiện. Hệ thống phòng chức năng, hiệu bộ, hành chính được chuyển lên tầng cao, dành các tầng thấp làm phòng học cho HS. Thậm chí, một số ý kiến đề xuất Bộ GDĐT cũng cần xem xét bỏ quy định cứng về diện tích phòng học, có thể đưa ra một vài phương án, linh động với tình hình thực tế địa phương.
Ủng hộ phương án này, nguyên đại biểu quốc hội Bùi Thị An cho rằng, trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để xây dựng có thể cấp phép xây dựng thêm khoảng 2 tầng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải trong một thời gian nhất định và tùy vào từng địa phương, không áp dụng đại trà.
Về lâu dài, theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để giải bài toán quá tải trường lớp của thủ đô, trước tiên và quan trọng nhất là sự quyết tâm vào cuộc của địa phương.
Ngoài ra, ngành giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền các quận huyện, các sở ngành chức năng nhằm quy hoạch và xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư. Cùng với đó, chính quyền thành phố cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án.