Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19

Vũ Mạnh 30/03/2022 16:09

Chiều 30/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình cùng thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu khai mạc Hội nghị.

Để cuộc vận động không mang tính hình thức

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tạo điều kiện của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, ngành và địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai rộng rãi từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. Trong đó, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới.

Thực hiện Chỉ thị số 3, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã đề ra và chỉ đạo nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người dân; thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao; các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chủ động tận dụng thời điểm khó khăn của thị trường để chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch và bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0; nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã thể hiện được uy tín và chiếm lĩnh thị phần nội địa và xuất khẩu đi nước ngoài. Theo thống kê tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD.

“Những kết quả, nỗ lực trong triển khai Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 diễn ra vào thời điểm tình hình kinh tế, chính trị thế giới xuất hiện nhiều biến động; ở trong nước, toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị các cấp đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; tình hình kinh tế, vấn đề lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước đang diễn biến phức tạp, nhiều vụ án lớn về kinh tế đang được điều tra, làm rõ…

“Đối với công tác Mặt trận, đây là thời điểm hệ thống Mặt trận các cấp đánh giá mục tiêu giữa nhiệm kỳ Đại hội khóa IX, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ lớn, tầm cỡ chiến lược nhằm hướng đến Đại hội lần thứ X, do đó, kết quả Hội nghị không chỉ xác định nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2022 mà còn góp phần xác định nhiệm vụ mà các cấp Mặt trận sẽ tập trung để thực hiện các mục tiêu mà Chương trình hành động Đại hội lần thứ IX MTTQ Việt Nam đã đề ra”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần khắc phục, như: tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động không thể triển khai theo Kế hoạch; tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 92.984 cuộc tuyên truyền với 4.097.471 lượt người tham dự, tổ chức được 598 hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức 7.995 hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được 812 mô hình “Tự hào hàng Việt”, “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Điểm bán hàng Việt”, “Nhận diện hàng Việt”, “Gian hàng bình ổn giá”…

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp….

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố đã có nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, chương trình tuyên truyền phong phú, nội dung đổi mới, chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều mô hình hay như: “Câu lạc bộ hàng Việt”, “Tổ phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Bình Thuận); “Nông sản Hải Phòng hướng tới người tiêu dùng Việt”; tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Cuộc vận động (Bình Dương); ngày hội “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”, mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” (Hậu Giang, Hòa Bình); mô hình “ Doanh nhân đồng hành cùng hàng Việt”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”; “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang; ”mô hình “Mỗi tuần giới thiệu một sản phẩm Việt Nam chất lượng cao” (Bến Tre); mô hình “Nhận diện hàng giả, hàng thật” (Hà Nội).

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

6 nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Về nhiệm vụ trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đặt ra là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động; đặc biệt là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Cùng với đó, các bộ, ngành, tổ chức thành viên Ban Chỉ đạo ở Trung ương, Ban chỉ đạo các địa phương tiếp tục tham mưu với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp triển khai Cuộc vận động đảm bảo hiệu quả, thiết thực theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trung ương Đảng.

Tăng cường đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế…công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chú trọng các hoạt động phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù, phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về biên giới; giới thiệu các mặt hàng OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cũng sẽ chú trọng vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; tăng cường trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động; Tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19