Để triển khai thành công học bạ số cấp THCS, cấp THPT, thời điểm này các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm học bạ số và ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan triển khai các công việc liên quan đến học bạ số.
Việc triển khai học bạ số cho các cơ sở giáo dục trung học có học sinh học chương trình giáo dục phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT đang được thực hiện theo Kế hoạch số 904 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành. Trước đó, 63 tỉnh, thành đều có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm triển khai học bạ số cấp tiểu học. Cụ thể, trong năm học 2023-2024 đã thực hiện thí điểm với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT).
Là địa phương dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học, Hà Nội đã thí điểm từ tháng 4/2024. Tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong dịp hè và hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung. Hơn 27.500/29.093 giáo viên, nhân viên các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân, đạt tỷ lệ 94,64%.
Sản phẩm học bạ số mang tính xã hội cao, liên quan đến hàng triệu học sinh, giáo viên giúp tăng cường tính minh bạch, tính hệ thống trong dữ liệu, tiết kiệm kinh tế. Ngành GDĐT đã cung cấp lên hệ thống quốc gia dữ liệu gắn với hồ sơ công dân, được quản lý minh bạch, liên thông, góp phần trong chuyển đổi số quốc gia.
Theo đánh giá của ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc triển khai thành công chương trình học bạ số không chỉ giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho các thầy cô mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giúp thay đổi toàn diện cách thức dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục… Với tiền đề triển khai thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học, Hà Nội đã sẵn sàng cho việc triển khai của các cấp học khác ở những năm tiếp theo.
Tại TPHCM, theo lộ trình thực hiện, năm học 2023-2024 thí điểm triển khai học bạ số đối với 132.000 học sinh khối lớp 1. Năm học 2024-2025, học bạ số tiếp tục được triển khai đối với khối lớp 6, đồng thời số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh tiểu học và THCS. Năm học 2025-2026, học bạ số được triển khai ở khối lớp 10 và số hóa toàn bộ dữ liệu học bạ của học sinh cấp THPT. Sở GDĐT TPHCM cho biết hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục về kỹ thuật, giải đáp các băn khoăn trong quá trình triển khai học bạ số.
Một trong những yêu cầu quan trọng khi triển khai học bạ là yêu cầu đảm bảo bảo mật thông tin do lưu trữ tổng hợp dữ liệu về người học, điểm số, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được cập nhật theo từng môn học, khối lớp. Học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của học sinh. Trong trường hợp cần thiết, học bạ số có thể được in ra, có xác nhận của cơ sở giáo dục phát hành học bạ hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định, có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy.
Từ kinh nghiệm từ việc triển khai học bạ số ở cấp tiểu học, Trưởng phòng GDĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn Ngô Văn Hiền cũng mong muốn Bộ GDĐT sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các quy định về phân cấp, phân quyền quản lý học bạ số. Đồng thời, thống nhất, nhất quán các quy định trước đó về học bạ giấy để có sự đồng bộ trong quá trình triển khai.
Riêng đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là đơn vị được quản lý bởi hai cơ quan chủ quản. Giáo viên của các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ yếu là giáo viên hợp đồng và thỉnh giảng nên việc cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số cũng có những băn khoăn.
Đại diện Bộ GDĐT cho biết đang lắng nghe, tổng hợp các ý kiến, góp ý, đưa ra các giải pháp giúp bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hơn trong quá trình chính thức triển khai học bạ số cấp trung học tại các địa phương trong thời gian sắp tới. Trong đó, yêu cầu việc truy cập và xử lý dữ liệu phải được phân quyền cụ thể đối với từng cá nhân, gồm: cán bộ quản lý, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên học vụ, văn thư, quản trị viên trường học... Nếu phát hiện các hành vi làm giả, truy cập trái phép, sửa chữa hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của học sinh; có biểu hiện độc quyền, vận hành không lành mạnh trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu trên học bạ số, phải xử lý nghiêm.