UBND tỉnh Quảng Ninh vừa triển khai thực hiện lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế (HC - KT) đặc biệt Vân Đồn. Việc lấy ý kiến cử tri theo địa bàn thôn, khu phố và HĐND từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Quảng Ninh là một trong những địa phương chủ động, tích cực chuẩn bị các bước cần thiết để lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc xây dựng Đề án thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn.
Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của Trung ương, song do việc lấy ý kiến cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn là cần thiết, phải sớm được triển khai thực hiện nên Sở Nội vụ đã chủ động tham khảo ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và 2 tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang để xây dựng dự thảo kế hoạch lấy ý kiến và tổ chức họp HĐND các cấp thông qua Đề án thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn.
Theo đó, sẽ thực hiện lấy ý kiến cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. HĐND từ cấp xã đến tỉnh thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thông qua về Đề án thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn. UBND các xã, thị trấn phải thực hiện việc lấy ý kiến cử tri theo địa bàn thôn, khu phố.
Sau khi hoàn thành các bước theo trình tự, huyện Vân Đồn phải báo cáo kết quả về Sở Nội vụ trước ngày 30/11 để tổng hợp ý kiến cử tri, hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.
Bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến cử tri để Quảng Ninh có đầy đủ các điều kiện cần thiết trình Chính phủ và Quốc hội về Đề án thành lập Đơn vị HC - KT đặc biệt Vân Đồn. Về cách làm nên lấy ý kiến thông qua hộ gia đình, không lấy ý kiến cử tri vãng lai, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật…
Việc lấy ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị rất kỹ. Mặc dù đây là nội dung khó, chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn của Trung ương, song do tính cấp thiết nên tỉnh Quảng Ninh đã chủ động triển khai thực hiện để có đầy đủ cơ sở đưa nội dung này vào kỳ họp HĐND tỉnh bất thường để lấy ý kiến; từ đó có cơ sở để đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo sức thuyết phục cao hơn đối với Đề án.
Về bộ máy giúp việc cho Trưởng đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất lựa chọn phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền theo hướng không tổ chức HĐND và UBND mà được tổ chức là một thiết chế được gọi là Trưởng Đặc khu Vân Đồn, có bộ máy giúp việc chung cho cả cấp ủy và chính quyền trên cơ sở hợp nhất, sắp xếp lại cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền.
Trưởng Đặc khu Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quyết định, tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, KT-XH trên địa bàn.
Các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc cho Trưởng đặc khu dự kiến là 8 cơ quan, gồm: Văn phòng; Ban Tổ chức và quản lý nhân lực; Ban Kinh tế; Ban Phát triển hạ tầng; Ban Tài nguyên - Môi trường; Ban Thanh tra - Kiểm tra; Ban Chính sách xã hội; Ban Tuyên truyền - Vận động.
Đồng thời tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất Đặc khu Vân Đồn được chia thành các khu hành chính trực thuộc trước mắt gồm 12 khu hành chính, là: Cái Rồng, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Minh Châu, Đoàn Kết, Hạ Long, Đông Xá, Bản Sen, Thắng Lợi, Quan Lạn, Ngọc Vừng.
Với nền hành chính hiện đại này sẽ khắc phục những bất cập của mô hình tổ chức chính quyền hiện nay.