Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc triển khai, đẩy mạnh thi hành Luật Hợp tác xã. Chỉ thị này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện Luật Hợp tác xã và giúp các mô hình hợp tác xã hoạt động và phát triển hiệu quả hơn. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Khắc Trung - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Thanh Hóa.
Ông Hoàng Khắc Trung.
PV: Việc ban hành Luật Hợp tác xã thời gian qua đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển các mô hình hợp tác xã trên địa bàn toàn quốc. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, việc triển khai bộ luật này đang gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến nhiều mô hình chưa áp dụng được luật một cách triệt để, hoạt động không hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Hoàng Khắc Trung: Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 (sửa đổi) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động cho các HTX kiểu mới, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta và phù hợp với xu hướng chung của phong trào hợp tác xã quốc tế, khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế Luật HTX 2012 chậm đi vào cuộc sống do việc triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Một trong những nguyên nhân chính là do việc tổ chức triển khai thực hiện chưa thực sự tích cực; còn nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật chậm được ban hành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về HTX tới các cấp, các ngành, địa phương còn hạn chế; tổ chức quản lý nhà nước về HTX còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc triển khai, đẩy mạnh thi hành Luật Hợp tác xã. Theo ông, mức độ tác động của Chỉ thị này ra sao?
- Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HTX, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho HTX hưởng các chính sách hỗ trợ. Chỉ thị này cũng yêu cầu cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp HTX; nghiên cứu, kiến nghị biện pháp xử lý và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hợp tác xã.
Theo tôi đây là những giải pháp căn cơ nhất, đi vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản làm cho Luật chậm được triển khai thực hiện trong thực tiễn. Những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Chỉ thị 19/CT-TTg nếu được triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt, với sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, chắc chắn sẽ làm cho phong trào hợp tác xã ở nước ta phát triển mạnh mẽ, đồng thời giúp các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Được biết, hiện nay Thanh Hóa đang có 908 hợp tác xã hoạt động, tuy nhiên chỉ có ít hoạt động hiệu quả. Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ được xem như “cánh tay đòn” để tạo động lực cho các hợp tác xã còn yếu, kém phát triển. Với Chỉ thị này, Thanh Hóa sẽ áp dụng ra sao, thưa ông?
- Đến thời điểm hiện nay, Thanh Hóa là một tỉnh có số lượng hợp tác xã nhiều nhất trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 908 hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chiếm đa số. Tuy nhiên theo ước tính hiện nay chỉ có khoảng 10% trong số đó là hoạt động có hiệu quả. Từ thực tế đó, với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sẽ tạo nên một sinh khí mới cho kinh tế hợp tác và phong trào hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển theo nhiều loại hình.
Thứ nhất, phát triển hợp tác xã ở một số ngành và lĩnh vực chủ yếu bao gồm: HTX đa ngành là mô hình hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, theo hướng kinh doanh tổng hợp đa ngành. HTX dịch vụ nông nghiệp; Hợp tác xã sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; HTX thuỷ sản (trong đó, phải chú ý đến quy mô phù hợp với nhu cầu hợp tác, trình độ nghề nghiệp của ngư dân và trang thiết bị hiện có và chỉ nên phát triển ở những vùng có nghề cá tập trung) và HTX tín dụng.
Thứ hai, theo tôi, cần phát triển hợp tác xã theo vùng. Ở khu vực đô thị, phát triển các HTX sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung; HTX vận tải hành khách và hàng hoá; HTX vệ sinh môi trường, hợp tác xã nhà ở; HTX thương mại, dịch vụ theo mô hình các siêu thị HTX; các loại hình hợp tác xã cung ứng sản phẩm đầu vào cho các khu công nghiệp tập trung là thành phố Thanh Hoá, Thị xã Bỉm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, Thị trấn Lam Sơn, Sao Vàng... Ở khu vực nông thôn, ngoài các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thuỷ sản trên đây, cần phát triển các mô hình HTX mới, như hợp tác xã trồng rau sạch, HTX nuôi bò sữa, HTX trang trại, HTX môi trường, hợp tác xã chợ ...
Thưa ông, để thực hiện được những định hướng phát triển trên đây, cần phải tập trung vào những giải pháp nào?
- Theo tôi, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, các chủ thể kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan phải phát triển hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phát triển đa dạng mô hình tổ chức và hoạt động của HTX, theo hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành; từng bước mở rộng liên kết giữa các hợp tác xã và các HTX với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý HTX và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của HTX trong điều kiện hội nhập…
Trân trọng cảm ơn ông!