Triển khai Nghị định 116: Khó chồng khó

Hàn Minh 10/08/2023 05:56

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt trong đào tạo sinh viên sư phạm sau 3 năm triển khai vẫn vướng trong thực tiễn. Nhiều địa phương chưa bố trí được ngân sách khiến người học mòn mỏi chờ hỗ trợ.

Ảnh minh họa.

“Quay xe” phút cuối

Đây là câu chuyện kỳ lạ trong mùa tuyển sinh năm nay khi 2 trường đại học (ĐH) của tỉnh Thanh Hóa thay vì được giao 1.533 chỉ tiêu đào tạo sư phạm như dự kiến ban đầu thì sau đó, chỉ còn lại 200 chỉ tiêu. Vấn đề ở chỗ, ngày 30/7/2023 hết hạn đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhưng tới ngày 1/8/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa mới ra quyết định giao nhiệm vụ cho 2 trường này.

Tuy nhiên, ngay cả tới thời điểm này, 200 sinh viên sư phạm tuyển mới năm nay cũng phải đối mặt với nguy cơ chưa được nhận tiền hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116. Bởi 2.945 sinh viên sư phạm ở 2 trường ĐH này vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ học tập (kỳ 2, năm học 2022 - 2023).

Nguyên nhân, theo ông Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, do tỉnh chưa cân đối được nguồn đảm bảo để thực hiện chính sách hỗ trợ lên tới 87,281 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã có công văn gửi cơ quan quản lý, cụ thể đề nghị Bộ GDĐT báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116.

Về phía Bộ GDĐT ngày 20/6/2023 đã có công văn trả lời tỉnh Thanh Hóa, cho rằng, tiền hỗ trợ nói trên do địa phương tự đảm bảo. “Trường hợp địa phương khó khăn chưa cân đối được kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ…”.

Ngày 5/7, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giải quyết các kiến nghị của các địa phương. Tại phụ lục II tổng hợp tiến độ xử lý của Bộ Tài chính đối với đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ kinh phí nói trên, văn bản nêu “Bộ Tài chính tổng hợp kinh phí này khi xử lý chung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa”. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời chính thức trong khi kết quả xét tuyển ĐH sẽ có trong thời gian ngắn nữa, nhiều thí sinh vẫn hoang mang không biết nếu đỗ vào trường có nhận được tiền hỗ trợ như cam kết hay tiếp tục chờ như những sinh viên các khóa trước?

Chính sách có nhưng khó triển khai

Những bất cập khi triển khai Nghị định 116 trong thực tiễn không phải đến nay mới phát sinh. Tại Hội nghị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GDĐT tổ chức cuối tháng 12/2022, đại diện nhiều sở GDĐT cho biết, khó triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong nhiều nguyên nhân, có lý do là sinh viên sau khi tốt nghiệp không về công tác tại địa phương, trong khi ngân sách địa phương hàng năm phải chi trả tiền số tiền này.

Qua giám sát thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng chỉ ra, sau 3 năm Nghị định 116 chính thức có hiệu lực, có rất ít địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên. Vướng mắc ở chỗ việc đấu thầu đào tạo giáo viên là coi việc đào tạo giáo viên như cung cấp một mặt hàng và các cơ sở đào tạo là đơn vị cung cấp mặt hàng đó, trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục không giống nhau. Đại biểu đặt câu hỏi, khi đấu thầu sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng có bề dày kinh nghiệm và thành tích đào tạo giáo viên lại trượt thầu và ngược lại.

Hơn nữa, sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, nhưng khi tốt nghiệp muốn trở thành Giáo viên và phục vụ trong ngành giáo dục thì phải qua kỳ thi tuyển viên chức nhưng không chắc đỗ hay không, trong trường hợp nào thì phải bồi hoàn?

“Có những địa phương có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên nhưng chưa bố trí được kinh phí và nhiều địa phương lại không có nhu cầu đặt hàng. Chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện rất khó khăn, trong khi tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương vẫn chưa được cải thiện” - bà Nga nói.

Thực tế, gần 40/63 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên trong năm học 2022, trong khi tỉnh nào cũng thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024, nhiều trường đào tạo giáo viên như trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH An Giang cũng bị cắt giảm chỉ tiêu vì không có đặt hàng.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vấn đề đặt hàng, đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116 để tuyển dụng vào viên chức giáo viên theo quy định của pháp luật về viên chức cần được UBND cấp tỉnh quán triệt, triển khai và thực hiện đúng quy định của Nghị định số 116 trong việc xác định nhu cầu đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GDĐT trong quá trình thực hiện các Nghị định này. Mặt khác, nếu Bộ GDĐT báo cáo cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo thì sẽ được cụ thể hóa vấn đề này trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Nghị định 116 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như phát triển đất nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai với nhiều lúng túng vướng mắc từ phía các địa phương cần sớm được quan tâm tháo gỡ để người học yên tâm, tiếp tục giúp thu hút học sinh giỏi đầu quân vào ngành sư phạm như những tín hiệu vui trong tuyển sinh sư phạm 2 năm vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai Nghị định 116: Khó chồng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO