“Qua theo dõi tôi thấy, ở các vùng biển đang xuất hiện tình trạng cho vay lãi theo ngày rất nhiều, ngư dân tiếp cận với các khoản vay này là những khoản vay nhỏ nhưng lãi suất rất cao, gắn với từng chuyến đi biển... Đối với ngư dân nếu bắt người ta có 20% hay 30% vốn đối ứng là không khả thi, như 10 tỷ mà 20% là 2 tỷ thì không được. Cho nên ở một mức nào đó, Chính phủ nên tính có thể không cần phải có vốn đối ứng”- ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) đưa ra giải pháp như vậy khi trao đổi xung quanh chuyện
Nghị định 67 hỗ trợ ngư dân đã thực hiện đến nay đã 10 tháng, nhưng tiến độ vẫn chậm. Ngư dân vẫn ngồi đợi Nghị định và chờ vốn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Nam: Chủ trương hỗ trợ ngư dân rất hay và rất kịp thời, với 16 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân và kiểm ngư đóng tàu. Tuy nhiên đối với ngư dân thì việc triển khai thực hiện quá chậm trễ, mới được khoảng 10%.
Nhưng, để triển khai thì các chính sách của chúng ta về loại tàu đóng, thông số kỹ thuật máy tàu, việc vay vốn, số lượng vốn, tỷ lệ vốn đối ứng, trình tự thủ tục, nói chung đều là những hàng rào, hạn chế khả năng tiếp cận của ngư dân. Ngư dân đâu phải chỉ cần tàu sắt; vì tàu sắt chỉ dùng cho các đơn vị tập trung, các công ty, doanh nghiệp hoặc mô hình nào đó có tính chất thế mạnh, đủ năng lực. Nếu cứ áp đặt, cứ muốn dùng tàu sắt thì ngư dân không đóng được mà có đóng được thì chưa chắc đã sử dụng được.
Hơn nữa, còn là vấn đề vốn lớn để đóng những con tàu sắt. Mỗi con tàu có lượng vốn khoảng hơn 10 tỷ đồng, ngư dân được trả nợ trong vòng 10 năm, thì mỗi năm sẽ phải trả hơn một tỷ. Hay như việc không cho hoán cải. Có con tàu người ta chỉ cần vay vốn để thay một cái máy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt và giá chỉ bằng ¼ nhưng không được phép vì máy mới rất đắt. Trình tự để được vay vốn thì nào phải kế hoạch, nào phải trình hết cấp nọ đến cấp kia, mà ngư dân của ta thì đâu có quen với các thủ tục hành chính nên cũng khó khăn và bế tắc. Còn ngân hàng với thực trạng nợ xấu hiện nay thì đâu thể cho vay dù có sự hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất; vì họ vẫn phải lo với tư cách là một doanh nghiệp để bảo toàn vốn, không làm tăng thêm nợ xấu. Cho nên cần phải bàn để có cơ chế tháo gỡ vấn đề này.
Theo ông cần phải có những giải pháp đột phá nào cho vấn đề này?
- Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã có những quyết sách đối với ngư dân. Tôi cho rằng tuy chậm nhưng cũng rất tốt, như việc giao cho UBND tỉnh quyết định cho ngư dân đóng tàu gỗ, không bắt buộc phải mua máy mới mà được hoán cải hay mua tàu đã qua sử dụng. Tất nhiên là chất lượng vẫn còn tốt, cơ quan cho vay như ngân hàng cũng phải kiểm định máy đó còn tốt không? có đáp ứng những thông số theo quy định không? Mình mở ra như vậy thì ngư dân sẽ đón nhận rất tốt.
Một vấn đề khác, nếu ấn định chỉ một vài cơ sở đóng tàu thì không được mà nên để cho ngư dân phát huy năng lực của cộng đồng, các cơ sở công nghiệp ở các địa phương và nên giao cho địa phương chịu trách nhiệm việc đó thay vì cứ ôm hết. Mỗi điều kiện, mỗi biển, mỗi một vùng quê có những tập quán, văn hóa, truyền thống đánh bắt, rồi quen với ngư trường, biển khơi, thời tiết, khí hậu khác nhau, nên không thể áp đặt một mẫu chung.
Về nguyên tắc, nếu chủ tàu không chứng minh được khả năng trả nợ, thì không thể vay vốn. Đây được coi là nút thắt lớn nhất làm cho Nghị định 67 triển khai rất chậm. Theo ông, phải giải quyết vấn đề này ra sao?
- Cần phải phân loại. Với những chủ thể có năng lực và những khoản đầu tư lớn thì cần phải tính đến vốn đối ứng. Nhưng với bà con nông dân lâu nay họ nghèo, đang phải đi vay nợ lãi cao thì phải tính. Nếu chỉ hoán cải một con tàu vài ba tỷ, Nhà nước có chủ trương cho họ lấy chính con tàu của mình ra làm vật thế chấp rồi. Thứ hai, đối với những người dân nếu bắt người ta có 20% hay 30% vốn đối ứng là không khả thi như 10 tỷ mà 20% là 2 tỷ thì không được. Cho nên ở một mức nào đó, nên tính có thể không cần phải có vốn đối ứng. Còn với những khoản vay lớn, các nhà đầu tư lớn thì bắt buộc phải có vốn đối ứng.
Trân trọng cảm ơn ông!