Triển khai vắcxin mới trong năm 2018

Đức Trân 17/04/2018 08:00

Chiều 16/4 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo truyền thông về một số loại vắcxin mới sẽ được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018.

Thay thế vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem bằng vắcxin Ấn Độ

Tại hội thảo, TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2108 sẽ thay thế vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất bằng vắcxin ComBE Five của Ấn Độ. 11.000 điểm chích ngừa trong dự án tiêm chủng mở rộng tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Kon Tum, sẽ sử dụng ComBE Five trước.

Vắcxin ComBE Five là vắcxin phối hợp phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vắcxin do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010, đã được ký lưu hành tại Việt Nam (QĐ số 196/QĐ-QLD ngày 30/5/2017) có giá trị trong 5 năm.

Năm 2016, vắcxin mới này đã được sử dụng tại thực địa 4 huyện của tỉnh Hà Nam. Kết quả, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm gồm phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ 5-15%; khoảng 34-39% bé bị sốt sau tiêm. Những chỉ số này tương tự các vắcxin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Ngành y tế không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào ở trẻ sau tiêm chủng vắcxin mới.

TS Trần Như Dương khẳng định, vắcxin ComBE Five cũng như các vắcxin khác nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt. Các vắcxin này phải được đăng ký lưu hành bao gồm những thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới.

Từng lô vắcxin khi nhập khẩu vào Việt Nam đều được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế kiểm định, đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm chủng đối với vắcxin ComBE Five không thay đổi so với lịch tiêm Quivaxem hiện tại. Trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Nếu trẻ bỏ lỡ lịch tiêm chủng thì cần được tiêm sớm tiếp theo mà không cần phải tiêm lại mũi đầu. Trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắcxin Quinvaxem thì tiếp tục tiêm vắcxin ComBE Five liều tiếp theo và không phải tiêm lại từ đầu.

Triển khai vắcxin sởi - rubella do Việt Nam sản xuất

Bộ Y tế cũng thông tin, từ tháng 4/2018, vắcxin sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc. Đến nay đã có 19 tỉnh/TP triển khai gồm Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắc Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương, Bình Phước. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắcxin MRVAC, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào.

Được biết, vắcxin sởi - rubella (MRVAC) do POLYVAC sản xuất được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Sản phẩm được công ty Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine- Nhật Bản chuyển giao công nghệ. MRVAC là vắcxin phối hợp bao gồm 2 thành phần: virus Sởi sống, giảm độc lực và kháng nguyên Rubella. Vắcxin MRVAC có thành phần kháng nguyên virus Sởi và tá dược giống như vắcxin sởi MVVAC (do POLYVAC sản xuất). Vắcxin MRVAC chỉ bổ sung thêm kháng nguyên Rubella vào vắcxin MVVAC.
Việc sử dụng vắcxin sởi-rubella sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn cung ứng vắcxin, đảm bảo không thiếu vắcxin sởi-rubella sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng và tiêm chủng chống dịch.

Trong tháng 2/2018, vắcxin MRVAC được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh Nam Định, Khánh Hòa, Đắk Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu, trong buổi tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18-24 tháng.

Theo báo cáo của 4 tỉnh, đã có 7.787 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vắcxin MRVAC. Không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắcxin MRVAC tại 4 tỉnh. Kết quả thu được cho thấy tính an toàn của vắcxin MRVAC tương tự như vắcxin sởi - rubella do Ấn Độ sản xuất đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016.

Do tình hình dịch bệnh sởi có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời những nghiên cứu gần đây cho thấy, miễn dịch bảo vệ bệnh sởi ở các bà mẹ mang thai là thấp và có một tỷ lệ lớn trẻ dưới 9 tháng tuổi sinh ra từ các bà mẹ này không có miễn dịch, hoặc miễn dịch từ mẹ truyền sang con không đủ bảo vệ trẻ phòng bệnh sởi; Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vắcxin phòng bệnh sởi và rubella, để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển khai vắcxin mới trong năm 2018