Triển lãm lan tỏa 'Truyền thống hiếu học'

Vân Vân 31/08/2022 15:55

Với 50 tác phẩm được sáng tác từ sau 1945 đến gần đây của 44 tác giả trên các chất liệu đa dạng, triển lãm “Truyền thống hiếu học” được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9 và chào đón ngày khai giảng năm học mới.

Triển lãm khai mạc sáng 31/8. Ảnh: CTV.

Triển lãm được khai mạc vào sáng nay (31/8) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội). Vào ngày 8/9, tại Bảo tàng sẽ diễn ra chương trình tọa đàm với chủ đề “Truyền thống hiếu học qua góc nhìn nghệ thuật”. Tại đây, khán giả sẽ được tham gia trò chuyện cùng với diễn giả khách mời - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phát biểu tại Lễ khai mạc.

Phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, “Truyền thống hiếu học” là triển lãm được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần dân tộc. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục. Ngày 15/9/1945, trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác động viên học sinh cả nước ra sức học tập, để “non sông và dân tộc Việt Nam được vẻ vang, sánh vai với các cường quốc năm châu”, ông Minh nhấn mạnh.

Tác phẩm “Lớp 5 dưới lòng đất” của tác giả Ngô Tôn Đệ.

Phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu “Diệt giặc dốt”, “Chống nạn mù chữ”... do Người phát động là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, vùng miền. Cũng từ đây, nhiều tác phẩm mỹ thuật đã thể hiện chân thực, sinh động truyền thống hiếu học của dân tộc và sự nghiệp phát triển giáo dục ở nước ta cho đến nay.

Tác phẩm "Trong Công viên Thống Nhất” của tác giả Nguyễn Phan Chánh.

Triển lãm “Truyền thống hiếu học” lựa chọn ra 50 tác phẩm của 44 tác giả, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được sáng tác từ sau năm 1945 đến nay, trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang, trong đó nhiều tác phẩm lần đầu được giới thiệu với công chúng…

Tác phẩm “Lớp trung học đầu tiên” của tác giả Diệp Minh Châu.

Có thể kể đến là các tác phẩm: “Lớp trung học đầu tiên” (Diệp Minh Châu), “Lớp học bình dân làng Bền” (Trần Văn Cẩn), “Bủ Đường biết đọc” (Tô Ngọc Vân), “Đi học bình dân” (Lê Công Thành), “Lớp học miền núi” (Hoàng Đạo Khánh), “Lớp 5 dưới lòng đất” (Ngô Tôn Đệ), “Trong Công viên Thống Nhất” (Nguyễn Phan Chánh), “Học nhóm” (Hứa Tử Hoài), “Lớp học bình dân” (Nguyễn Thế Vinh), “Nhà trẻ” (Nguyễn Kim Đồng), “Học thêu” (Vi Kiến Thành)…

Ngoài một số bức tranh khá mới của một số hoạ sĩ hiện đại, đa số tác phẩm trong triển lãm “Truyền thống hiếu học” do các danh hoạ thời kỳ Đông Dương thể hiện. Trong số đó phải kể đến Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu… Các tác phẩm như một thước phim quay chậm, đưa người xem quay trở về thời kỳ lịch sử đáng nhớ của dân tộc.

Tác phẩm "Học nhóm" được làm từ chất liệu thạch cao, sáng tác năm 1978.

Những bức tranh được trưng bày tại triển lãm cho thấy dù chiến tranh có tàn khốc cũng không ngăn cản được sự nghiệp giáo dục phát triển. Mặc dù trường học phải sơ tán, thậm chí học dưới hầm, nhưng việc học luôn được quan tâm và triển khai rộng. Và khi đất nước hòa bình, thống nhất, học tập được mở rộng, không chỉ là việc học chữ trên ghế nhà trường, mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao truyền tri thức, kỹ năng của thế hệ trước và sau… Tất cả được thể hiện sinh động qua bút pháp của các thế hệ họa sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển lãm lan tỏa 'Truyền thống hiếu học'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO