Do yêu Nguyễn Du nên nhiều người đã theo cách riêng của mình, sáng tạo nên các tác phẩm mới, cũng hết sức đa dạng và phong phú.
Nguyễn Du là một nguồn cảm hứng vô tận cho rất nhiều người. Từ các nhà nghiên cứu đến các dịch giả, các nghệ sĩ và họa sĩ. Do yêu Nguyễn Du nên nhiều người đã theo cách riêng của mình, sáng tạo nên các tác phẩm mới, cũng hết sức đa dạng và phong phú. Với kiều bào thì nhờ công việc này mà họ đã góp phần phổ biến “Truyện Kiều”, quảng bá nền văn hóa Việt Nam. Nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh, và 200 năm ngày mất của Nguyễn Du, Hội Huynh đệ và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp được sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đã tổ chức khai mạc cuộc triển lãm về “Truyện Kiều”, gồm các bản dịch và các tác phẩm được truyền cảm hứng từ tuyệt phẩm này của Nguyễn Du, tại hiệu sách Sudestasie, ở trung tâm Paris.
Tham dự buổi lễ khai mạc, ngoài sự có mặt của các đại diện cao cấp của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Pháp như đương kim Đại sứ Nguyễn Thiệp, Đại sứ bên cạnh UNESCO Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp Nghiêm Xuân Đông, còn có các bạn bè Pháp và một số kiều bào.
Với 73 bản dịch được sưu tầm trên khắp thế giới, trong đó có nhiều bản vẫn còn chưa biết đến tại Việt Nam, cuộc triển lãm đã đem đến cho những người yêu văn học Việt Nam, đặc biệt là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du những khám phá thú vị. Đại sứ Nguyễn Thiệp đánh giá cao công sức của bà con kiều bào đã dành tâm huyết quảng bá đến bạn bè quốc tế những tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Còn theo nữ Đại sứ bên cạnh UNESCO, Trần Thị Hoàng Mai, vào năm 2013, tại Đại hội đồng lần thứ 37, UNESCO đã ra một nghị quyết sẽ cùng với Việt Nam tổ chức hoành tráng lễ Kỷ niệm 255 ngày sinh và 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn Nguyễn Du của Việt Nam vào năm 2020, tại trụ sở của UNESCO và khắp nơi trên thế giới, nhưng do dịch Covid-19, nên lễ này đã bị hoãn.
Vẫn theo bà Mai, những người đã được ghi vào danh sách để kỷ niệm ngày sinh ở UNESCO phải là những người đã có những đóng góp đáng kể đối với nền văn hóa, giáo dục cũng như khoa học trên thế giới, và Nguyễn Du của chúng ta đã là một trong những người như thế. Bởi Nguyễn Du, qua tác phẩm “Truyện Kiều” của mình, đã có những đóng góp rất lớn cho nền văn học Việt Nam. Đây là một tác phẩm văn học đầu tiên được viết bằng tiếng Việt. Nó khẳng định bản sắc của văn hóa Việt Nam. Bà chia sẻ: “Không có gì đáng tự hào hơn đối với một nhà ngoại giao, đặc biệt là nhà ngoại giao trong lĩnh vực văn hóa, khi thấy được bạn bè thế giới yêu quí nền văn hóa của Việt Nam, yêu quí những tác phẩm của Việt Nam, yêu quí những con người hoặc danh nhân đỉnh cao của Việt Nam. Ở đây, tôi cũng khẳng định một điểm nữa, một điều rất đáng tự hào nữa, đó là Nguyễn Du là người đầu tiên chính thức sáng tác văn chương bằng tiếng Việt thời ấy, tức là tiếng Nôm. Tức là người đầu tiên đã dùng tiếng của chúng ta để viết nên một tác phẩm vĩ đại, tác phẩm “Truyện Kiều” mà nó sống mãi với thời gian, và không chỉ với thời gian mà nó còn bất chấp cả không gian”.
Ông Pascal Bourdeaux là nhà sử học người Pháp. Ông biết đến nền văn học Việt Nam và nhất là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du qua việc nghiên cứu sử đương đại của Việt Nam. Nhưng đương nhiên văn học cũng là một yếu tố liên quan, đó là yếu tố để chúng xích gần lại những vấn đề chủ yếu của nền văn hóa của một dân tộc. “Truyện Kiều” không phải là tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên ông làm quen mà “cách đây vài năm, tôi có dịp phát hiện ra một tài liệu, một bài thơ chưa từng được công bố của Nguyễn Đình Chiểu, đó là “Lục Vân Tiên”. Việc được làm quen với tác phẩm này đã khiến tôi có ý muốn được hiểu thêm về văn học cổ của Việt Nam”.
Theo ông Pascal Bourdeaux, trong “Lục Vân Tiên”, ta nhận thấy có những yếu tố có thể so sánh với “Truyện Kiều”, đặc biệt là mối quan hệ giữa những yếu tố cốt yếu của chủ nghĩa nhân văn, con người là gì trong xã hội, cũng như mối quan hệ giữa người và bản tính riêng của họ. Con người với chức năng trung tâm của mình thì cũng sẽ chẳng là gì nếu không coi trọng môi trường tự nhiên xung quanh. Ông cũng cho biết chính tác phẩm này đã tạo nguồn cảm hứng để ông nghiên cứu thêm về văn học cổ Việt Nam mà ông cho rằng không kém phần phong phú và thú vị. “Tôi không phải là chuyên gia về “Truyện Kiều”, nhưng khi đọc tác phẩm này, điều khiến tôi đặc biệt quan tâm lúc đầu thì không hẳn là tâm lý các nhân vật nhưng chính qua các yếu tố ấy thì tôi nhận ra mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Ví như làm thế nào mà cây lại trở thành biểu tượng của con người, mối quan hệ giữa người với không gian, với môi trường. Và khi ta đọc dưới nhiều phiên bản khác nhau, tiếng Pháp và tiếng Việt, tác phẩm trở nên rất thú vị. Những yếu tố thiên nhiên trong tác phẩm thơ này đã thực sự cuốn hút tôi. Mối quen hệ rất khăng khít giữa con người và môi trường tự nhiên, cho dù đó là thực vật, sông, núi, đất…”- ông nói. Ông cũng chia sẻ rằng đã thực sự nhìn thấy trong tác phẩm “Truyện Kiều” sự cộng sinh giữa người và thiên nhiên. Và “ta cũng nhận thấy, trong phạm vi này, một đời sống tinh thần của con người với mối quan hệ về thời gian và tổ tiên của mình. Tâm linh tổ tiên vẫn luôn hiện hữu, như linh hồn của thiên nhiên, và ta tìm thấy điều ấy đặc biệt trong việc thờ cúng Sông, thờ cúng Cây… Tóm lại, đó là cả một hệ thống thấu hiểu và thẩm mỹ, và ta thấy vị trí của con người trong xã hội”- ông Pascal Bourdeaux nói thêm.
Là một nhà chuyên nghiên cứu về Nguyễn Du từ hàng chục năm nay và cũng là một thành viên Hội Huynh Đệ trong ban tổ chức triển lãm, chị Nguyễn Thị Sông Hương đã mất khá nhiều thời gian để sưu tầm được các bản dịch được triển lãm ngày hôm nay. Chị chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu thì tôi phát hiện ở nước ngoài có những bản dịch mà Việt Nam vẫn còn chưa biết đến. Ví dụ Việt Nam chỉ biết có khoảng hơn 30 bản dịch trong 24 thứ tiếng, nhưng trong quá trình tìm hiểu thì tôi thấy con số đó lớn hơn rất nhiều”. Chị cho biết đã cố gắng tìm kiếm trong vòng hơn một năm và cho đến nay, với sự giúp đỡ của rất nhiều người trên khắp thế giới thì theo chị có thể nói là bộ sưu tập các bản dịch đã gần như đầy đủ. Hiện đã có được 73 bản dịch hoàn chỉnh và một số bản được trích dịch.
Việc UNESCO đã ra nghị quyết tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, việc đã có hơn 20 thứ tiếng với 73 bản dịch chứng tỏ không chỉ có người Việt Nam yêu quý ngưỡng mộ ông, mà còn cả bạn bè quốc tế đã biết đến ông. Bạn đọc trên thế giới qua “Truyện Kiều” mà đã biết đến nền văn học Việt Nam, biết đến Nguyễn Du. Những giá trị về văn hóa, nhân văn của tác phẩm đã đụng chạm đến nhiều trái tim của bạn đọc thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào của các dịch giả mà còn là niềm tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Phải thừa nhận rằng trong các phiên bản dịch của “Truyện Kiều” thì tiếng Pháp chiếm nhiều nhất. Ngoài ra tại Pháp, tác phẩm “Truyện Kiều” đã được khá nhiều đạo diễn Pháp, hợp tác với kiều bào dàn dựng thành những vở sân khấu. Vào năm 2017 đạo diễn Christophe Thiry cùng với nhà soạn giả kiều bào Bùi Xuân Quang đã chuyển thể “Truyện Kiều” thành vở ca kịch “Kim Vân Kiều” sang tiếng Pháp và được đoàn kịch Le Cercle Premier trình diễn khá thành công tại Paris. Năm 2019, đoàn đã đến Việt Nam trình diễn vở này ở TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội thu hút sự quan tâm lớn của khán giả trong nước.
Cùng năm 2017, ông Huỳnh Quốc Tề, một tác giả người Pháp gốc Việt, hợp tác với nhà soạn nhạc Bernard de Vienne đã chuyển thể "Kim Vân Kiều" thành vở Opéra với sự tham gia của các nghệ sĩ Opéra có tên tuổi của Pháp như Norma Nahoun, Nathalie Pannier, Guillaume François, Etienne Chevallier. Vở Opéra này cũng đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả yêu Opéra Paris với nội dung khác lạ, ngoại lai được hợp tấu theo các giọng hát Opéra, và đều rất ấn tượng với vở ca kịch đương đại được chuyển thể từ một tác phẩm văn chương cổ điển của Việt Nam.
Paris 20/9/2020