Triệt hại nhà nông

Kiên Long 04/11/2015 08:13

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ xa xưa, ông cha ta đã coi phân bón đối với cây trồng quan trọng chỉ đứng hàng thứ hai sau nước. Thiếu nước, thiếu phân, cây không thể sống, phát triển. Thế nhưng, chỉ vì lợi nhuận, ngày nay người ta đã làm giả cả…phân. Đây là một kiểu hại cây trồng, hại nhà nông, một kiểu…ác của ác, khi triệt đi con đường sống của cây, của người.  

Triệt hại nhà nông

Có cùng sống, làm việc với người nông dân, mới hiểu được nỗi cơ cực nhọc nhằn của nhà nông. Nhà nông gắn với câu ca dao: “Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…”. Cái lo lắng luôn thường trực, đè nặng hàng ngày. “Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”.

Chỉ một đợt gió mùa về khi vừa gieo cây mạ, khi cây lúa vừa trổ bông; hay một trận dông, mưa bão khi cây đã nặng hạt đều có thể dẫn đến kết quả mùa màng thất thu. Ngay cả khi được mùa, nhưng tính toán công sức bỏ ra, trừ chi phí, các khoản đóng góp, thu hoạch của người nông dân cũng chẳng còn là bao.

Xưa, người nông dân sống phụ thuộc, trông vào tự nhiên. Lũ lụt, hạn hán dù có làm ảnh hưởng đến cây trồng nhưng người ta vẫn còn hy vọng. Rằng ông Trời không tuyệt đường sống của ai. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, người nông dân những tưởng đã làm chủ đồng ruộng của mình. Oái oăm thay, họ lại phải đối mặt với những loại giặc mới như phân giả. Với việc làm phân bón giả, ngay lập tức người ta đã “đánh” trực tiếp vào nồi cơm của nhà nông.

Người nông dân đã không còn có cơ hội, hy vọng sự may rủi của tự nhiên. Dù họ có đổ mồ hôi, sôi nước mắt, đi sớm, về khuya thì bao công sức bỏ ra cũng chỉ là công cốc. Không biết bao nhiêu người nông dân đã khóc trên thửa ruộng của mình. Không biết bao nhiêu gia đình, bé thơ đã phải chịu cảnh khốn khổ khi mùa màng thất bát. Hệ lụy này, những kẻ làm phân giả có biết không? Hiển nhiên người ta biết. Biết, nhưng vì lợi nhuận, người ta vẫn nhắm mắt, làm bừa.

Như đại biểu QH Nguyễn Sĩ Cương nêu, trong hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận từ phân bón kia có không ít từ phân bón giả. Và hơn 2 tỷ USD thiệt hại cho người nông dân, nền kinh tế chỉ là con số đen, còn biết bao nhiêu thiệt hại không thể đo đếm được.

Để nan giải tình trạng phân bón giả, kẻ làm phân bón giả hoành hành như hiện nay một phần lớn là do công tác quản lý. Chưa bao giờ, thị trường phân bón lại hỗn loạn như hiện nay. Nhiều chục năm trước, người nông dân chủ yếu dùng phân truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân vô cơ do các HTX cung cấp với một số ít chủng loại đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay, nhan nhản các loại phân, nội có, ngoại có.

Như ĐB Nguyễn Sĩ Cương nêu, thống kê có đến xấp xỉ 5.300 chủng loại phân trong danh mục chính thức, xấp xỉ 1.000 loại đã cấp xong giấy hợp chuẩn, hợp quy, chưa kể các loại phân truyền thống nằm ngoài danh mục xấp xỉ 1.000 loại nữa... thật đúng là... loạn.

Phân định chất lượng phân, người nông dân ngoài chút kinh nghiệm, chỉ còn biết trông vào cơ quan chức năng. Thế nhưng, việc phân định chất lượng phân cũng không đơn giản, rất tốn kém, và có đến mấy ngàn loại phân kia, làm sao mà làm? Ngay cả quyết tâm của vị Bộ trưởng ngành, nếu yêu cầu cán bộ dùng đến cả miệng...thử phân cũng không thể xuể, không thể chính xác. Cuối năm 2014, các vị đại biểu QH đã phải kêu trời về tình trạng phân bón giả. Chỉ một tỉnh miền Trung cũng đã phải xử phạt hàng chục vụ, thu hàng chục tấn phân bón giả. Nhưng đến cùng kỳ năm nay, các vị đại biểu cho dân vẫn phải tiếp tục kêu trời.

Thậm chí tình trạng giả còn tinh vi hơn, cao cấp hơn, khi cả phân nhập khẩu có tiếng của nước ngoài cũng bị làm giả, như trường hợp ở Công ty Thuận Phong. Hay tàn tệ hơn như thông tin: Nhiều cơ sở sản xuất phân bón hiện nay lẽ ra phải dùng bột mì để sản xuất làm chất kết dính phân bón thì đã dùng đất sét, bột đá. Người nông dân khi mua những sản phẩm này về bón cho lúa không những làm vụ lúa ấy mất mùa mà nguy hiểm hơn, lại bê tông hóa đất đai đồng ruộng của mình.

Làm sao để ngăn chặn phân bón giả? Về quản lý nhà nước, đúng là cần chuẩn hóa loại phân bón, cùng với quy trình kỹ thuật bón cho các loại cây trồng chính và việc sản xuất, kinh doanh phải theo quy chuẩn; xiết lại việc xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, nâng tính cạnh tranh về chất lượng; nhất là cần xử lý nghiêm khắc, xử lý thật nặng hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thực tế, pháp luật đã có nhiều quy định như Nghị định 113 ngày 7/3/2003, Nghị định sửa đổi số 191 ngày 31/12/2007, Nghị định sửa đổi số 15 ngày 1/3/2010, Nghị định sửa đổi số 202... tuy nhiên vẫn chưa đủ. Việc phát hiện, xử lý đa số mới dừng ở mức phạt hành chính, kẻ tham vẫn tiếp tục khinh nhờn. Cần phải tăng cường xử lý hình sự. Điều 158 BLHS đã quy định về hành vi trên. Hành vi trên còn có thể coi như hành vi lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 162 BLHS.

Xung quanh tình trạng ngăn chặn phân bón giả, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đã rất quan tâm và nhắc nhở: Cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với MTTQ và các đoàn thể để giám sát đầu vào cho nông nghiệp. Đặc biệt cần sự tham gia của chính người dân, để người dân tự cứu mình và làm lợi cho mình. Phải phát huy sức mạnh từ dân, chính người nông dân. Người nông dân phải cùng học hỏi kinh nghiệm, tập huấn, có hiểu biết để sử dụng đúng sản phẩm cho mình.

Người dân cùng các CLB, Hội Nông dân, MTTQ cùng tham gia kiểm tra, giám sát các điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp trong đó có phân bón, phát hiện, tố giác để xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái phép, làm phân giả, không đảm bảo chất lượng. Không thể để kẻ tham, kẻ ác mãi hoành hành, triệt hại nhà nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triệt hại nhà nông