Người hâm mộ Việt Nam luôn yêu cầu cao với các HLV khi được trao trọng trách dẫn dắt các đội tuyển bóng đá. Với dân số trên 90 triệu dân và nhiều người nhận định ở Việt Nam luôn có trên 30 triệu người luôn “đóng vai HLV, BLV” để phán xét đội tuyển. Như vậy, các HLV khi được trao dẫn dắt đội tuyển luôn đứng trước áp lực cực lớn từ dư luận, truyền thông… với yêu cầu phải đá đẹp, chiến thắng mà chẳng cần biết thực lực mình đến đâu. Vấn đề lớn nhất với chúng ta là phải tìm ra, xác định đúng triết lý
Người hâm mộ Việt Nam luôn cuồng nhiệt và yêu cầu cao với đội tuyển.
Không thể lúc nào đội tuyển ra sân là cũng yêu cầu chiến thắng, thắng đậm đà và thắng đẹp dù có khi đó chỉ là ở những giải giao hữu, những giải mời… Bóng đá Việt Nam suốt bao năm qua đã “vái tứ phương” tìm thầy nhưng gần như không học được gì. Kể từ khi hội nhập trở lại từ năm 1989, từ đó đến nay dù cũng đã trải qua 16 năm mang danh chuyên nghiệp nhưng gần như chưa có chuyển biến gì nhiều. Năm 1995, VFF có quyết định đột phá khi tìm thầy ngoại để giúp môn thể thao vua nước nhà đi lên. Và HLV Edson Tavares với triết lý của người Brazil đã trở thành ông thầy ngoại đầu tiên của ĐTQG Việt Nam.
Dấu ấn của ông Tavares rõ ràng khi nâng tầm thể lực cầu thủ Việt. Thế nhưng chỉ sau vài tháng ông Tavares từ chức vì mâu thuẫn không thể hòa giải với VFF. Sau đó dù VFF đã sửa sai bằng cách mời lại vào năm 2004 nhưng ông Tavares cũng phải cuốn gói ra đi sau thất bại tại AFF Cup 2004 ngay trên sân nhà.
Sau khi Tavares ra đi, bóng đá Việt lại quay sang học hỏi trường phái bóng đá đến từ Đức với HLV Karl-Heinz Weigang. Cách làm bóng đá theo kỷ luật, tinh thần thép của ông Weigang rất được lòng NHM bóng đá nước nhà. Nhưng rồi thêm 1 lần vì mối bất đồng với VFF mà ông Heinz Weigang quyết định chia tay ĐT Việt Nam trong sự tiếc nuối của NHM. Tất nhiên cũng giống như lần trước, chúng ta chẳng giữ hay học được những tinh hoa của ông Weigang.
HLV tiếp theo tạo được dấu ấn trong lòng NHM là Alfred Riedl với câu nói để đời “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Dù đã có ít nhiều thành công nhưng ông cũng không thể đưa bóng đá Việt lên đỉnh cao nhất của bóng đá khu vực chứ chưa nói gì đến tầm châu lục.
Sau thời Alfred Riedl, Calisto chính là HLV thành công nhất với bóng đá Việt Nam. 1 chức vô địch AFF, 1 lần giành HCB SEAgame và 2 HCĐ AFF Cup là những thành tích tốt nhất của một ông thầy ngoại với bóng đá nước nhà. Không chỉ có vậy, ông “Tô” còn được coi là người thầy đáng kính nhất với bóng đá Việt Nam khi phát hiện ra rất nhiều nhân tài. Lối chơi kỹ thuật, đậm chất latin của chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng được đánh giá là phù hợp với tố chất của cầu thủ Việt. Thế nhưng lối chơi mà Calisto dày công xây dựng lập tức bị phá bỏ sau khi người mới lên nắm quyền.
Ngoài những HLV kể trên thì VFF cũng từng hợp tác với những Colin Murphy, Dido, Falko Goetz. Tuy nhiên do thời gian hợp tác quá ngắn nên những HLV kể trên không kịp để lại dấu ấn. Khi những ông thầy ngoại ra đi để thay thế bằng 1 người khác thì bóng đá Việt Nam lại phải đập đi xây lại từ đầu. Và vì cách làm lớt phớt ấy, đội tuyển Việt Nam luôn là một con bệnh trầm kha bởi đó là hậu quả của việc thuê HLV theo... cảm tính.
Đủ các loại trường phái từ châu Âu đến châu Mỹ giờ là châu Á. Mỗi người đến lại nhồi đội tuyển theo một con đường khác. Vừa quen bóng dài kiểu Anh lại sang kiểu chặt chẽ người Đức rồi lại muốn kỹ thuật cuốn hút của người Brazil. Đang bóng ngắn chuyển sang bóng dài, đang phòng ngự khu vực chuyển sang kèm người… Đó là hệ quả của cách làm việc không có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Điều này hoàn toàn trái ngược với Nhật Bản hay ngay cả nước láng giềng Thái Lan. Họ cũng mất nhiều tiền để mời thầy ngoại nhưng ngay cả khi thất bại vẫn học được những tinh hoa mà HLV đó mang đến.
Hiện tại, ông thầy đang nắm bóng đá Việt Nam là Toshiya Miura người Nhật cũng có những dấu ấn cực kỳ đậm nét. Đó là thể lực vượt trội của cầu thủ Việt so với trước kia, là tư duy chơi bóng đơn giản, hiện đại. Thế nhưng, khả năng để ông tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt lúc này gần như không còn khi đang nhận cơn bão chỉ trích đến từ những người có vai vế của liên đoàn cũng như một bộ phận lớn NHM khi ông ít sử dụng những tài năng mà theo họ là ánh sáng tương lai của bóng đá nước nhà đến từ CLB HAGL.
Ông Miura, cũng như biết bao HLV nước ngoài làm việc cho Việt Nam trước đây, đều là người làm thuê. Ông ta nhận trách nhiệm cầm đội tuyển và tìm kiếm những kết quả tốt nhất trong khả năng. Với những con người hiện tại của bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá mang nặng văn hóa xin-cho và “bạo lực”, chiến thuật phòng ngự phản công là một con đường hợp lý. Trong bóng đá, phòng ngự luôn dễ hơn tấn công. Miura chọn một con đường dễ, nó giúp ông giành được những kết quả tức thời khi vừa sang Việt Nam, như giúp đội U23 đi tiếp với ngôi đầu bảng ở ASIAD, đưa đội U23 lần đầu vào vòng chung kết giải châu Á…
Những người làm bóng đá cũng như số đông NHM đã và đang ảo tưởng về sức mạnh của một đội bóng trẻ, trong khi từ bóng đá trẻ lên bóng đá chuyên nghiệp là cả một quá trình dài lâu và khắc nghiệt. Người ta dễ dàng quy chụp một HLV làm đội tuyển suy yếu nhưng quên mất là giải vô địch quốc gia của nước mình đang quá yếu so với mặt bằng chung. Muốn có một đội tuyển mạnh, phải có một giải đấu quốc nội mạnh và phải có nền móng vững vàng và chiến lược rõ ràng. Hơn một thập kỷ sau khi HLV Alfred Riedl chê bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc, chúng ta vẫn chẳng biết xây móng từ đâu mà vẫn chỉ đang miệt mài… lợp mái bằng việc tiếp tục đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và thay đổi HLV vì những mục tiêu manh mún ấy.
Có lẽ, những người đứng đầu nền bóng đá cũng như đại bộ phận NHM cần xác định rõ cho mình triết lý bóng đá nào phù hợp với người Việt, từ bỏ bệnh thành tích ngay để rồi từ đó xây dựng phương án căn cơ, bài bản từ bóng đá trẻ ở các địa phương, các CLB… một cách lâu dài, bền vững để rồi từ đó có thể thuê những HLV phù hợp với triết lý bóng đá của mình thì may ra mới có thể giúp bóng đá Việt thực sự khởi sắc.