Triệu chứng nhẹ, F0 trẻ liệu có dính di chứng hậu Covid-19?

Nguyễn Hoài 08/03/2022 14:00

“Ai rồi cũng là F0” đang là tâm lý chung của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ khi những ngày qua, số người nhiễm Covid-19 có chiều hướng gia tăng, nhiều người là F0 có triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng.

Tuy nhiên, nhiều F0 trẻ sau khi khỏi bệnh đang phải nếm trải những ngày sức khỏe suy giảm, mệt mỏi - những di chứng của hậu Covid-19.

Covid-19 có nhẹ như lời đồn?

“Bây giờ ra đường chả biết ai là F0”, “ai rồi cũng bị F0, chỉ như cúm mùa thôi, 4 ngày là khỏi”, “tiêm đủ 3 mũi vaccine rồi nên không phải lo”, nhiều người đang có tâm lý chủ quan, coi thường Covid-19 như thế này, thậm chí còn xem việc nhiễm Covid-19 là “hot trend 2022” khi chứng kiến nhiều F0 trẻ vẫn khỏe re, không có triệu chứng gì.

Đây cũng là suy nghĩ tự huyễn hoặc mình của chị Nguyễn Thu Hương (32 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội). Nhiều lần ăn chung, đi chung xe, làm việc chung, tiếp xúc chung cùng F0 nhưng chị Hương vẫn chưa bị F0. Cứ nghĩ bản thân mình có sức để kháng tốt nên chị Hương lơ là, không thực hiện nghiêm các quy tắc phòng chống dịch. Rồi ngày chị mắc Covid-19 cũng đến.

Trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ trạng thái sẵn sàng đón nhận F0.

Những ngày là F0, chị bị đau lưng, mỏi gối, đêm liên tục sốt cao trên 39 độ; đầu đau như búa bổ, uống thuốc cũng không đỡ. Chỉ sau đó 2 ngày, con trai chị cũng bị F0. Chị Hương bảo: “Người thằng bé cứ nóng như cục than khiến tôi nhiều đêm không ngủ lo cho con. Hai mẹ con tự cách ly trong phòng, tự phục vụ nhau và cùng nhau cố gắng”.

Sau 8 ngày chiến đấu với Covid-19, hai mẹ con chị đã âm tính. Song, cứ tưởng chiến thắng Covid là cuộc sống trở về trạng thái bình thường, chị Hương không ngờ những di chứng của hậu Covid còn đáng sợ hơn. Đầu đau hơn kèm theo là chóng mặt, choáng váng khiến nhiều lần chị bước hụt cầu thang. Chị Hương cho hay: “Tôi liên tục bị mất ngủ, ăn không ngon, sợ tất cả các mùi, ăn xong rồi nôn sạch. Thật sự, bị Covid-19 không đơn giản như tôi từng nghĩ”.

Tương tự như chị Hương, anh Nguyễn Trung Kiên (39 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang phải nếm trải những ngày sức khỏe bị tổn hại nặng nề sau khi khỏi bệnh. Vốn cao to, rất ít khi ốm đau nên anh Kiên luôn nghĩ mình nếu có bị Covid-19 thì cũng sẽ nhẹ nhàng thôi. Nào ngờ, trong 10 ngày dương tính, anh Kiên nằm li bì, ho quặn bụng từng cơn mà không dứt. Anh Kiên sụt hơn 10 kg sau khi âm tính trở lại.

Hao tiền tốn bạc để mua thuốc điều trị cũng như đồ ăn tẩm bổ nhưng hậu Covid, anh Kiêm thấy sức khỏe yếu hơn hẳn, cảm giác bị hụt hơi, nói vài câu là đã mệt, leo vài bậc cầu thang phải dừng lại đứng thở. Anh Kiên nói: “Giờ ai rủ tôi đi đâu tôi cũng từ chối, nhất là nhậu nhẹt. Tôi sợ tiếp xúc đông người không may lại mắc Covid-19 lần hai thì lúc ấy, không biết sức khỏe sẽ đi đến đâu”.

Từ bỏ suy nghĩ sai lầm

Hiện nay Việt Nam đang thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Tính đến hết tháng 2/2022, cả nước đã triển khai tiêm trên 194 triệu liều vaccine phòng Covid-19; tỷ lệ người dân đã tiêm đủ liều đạt 78,9%. Bên cạnh đó, thực tế số lượng bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ xuất hiện ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, dù độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 ở nước ta cao nhưng không có nghĩa là không gây nguy hiểm cho người bị nhiễm. Như những trường hợp ở trên, họ đều là những người trẻ vốn có sức đề kháng tốt, không có bệnh nền nhưng vẫn dính di chứng của hậu Covid.

Nhiều F0 trẻ sau khi khỏi bệnh vẫn dính di chứng hậu Covid.

Ngày hậu Covid thứ tư nhưng chị Hương vẫn liên tục mất ngủ. Chị Hương cho hay: “Đừng ai có quan điểm chủ quan với dịch bệnh như tôi. Mắc Covid-19 không đơn giản, hậu Covid-19 còn đáng sợ hơn. Vì thế hãy giữ gìn sức khỏe tốt nhất có thể”.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề hậu Covid-19 nhưng có giả thiết cho rằng, với F0 thể nhẹ sau khi khỏi bệnh, cơ thể sinh ra các kháng thể tự miễn, tấn công và chống lại cơ thể mình, gọi là phản ứng tự miễn gây ra tình trạng viêm. Còn với bệnh nhân tương đối nặng, có tình trạng đông máu, tắc mạch sau đó cục máu đông trôi đi, gây tình trạng tắc các vi mạch ở nơi khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tâm lý “ai rồi cũng trở thành F0” rất nguy hiểm. Người dân cần loại bỏ tâm lý này.

Theo PGS.TS Phu, dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong.

Trước tâm lý của một bộ phận người dân buông xuôi, thả lòng vì cho rằng đã tiêm vaccine phòng Covid-19, bệnh sẽ nhẹ, ông Phu khẳng định, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2. Vì vậy, người dân nên tuân thủ thông điệp 5K trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triệu chứng nhẹ, F0 trẻ liệu có dính di chứng hậu Covid-19?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO