Thời gian qua, dư luận tại huyện Triệu Sơn không khỏi bất bình khi cả dãy đồi keo non tại thôn 3, xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) bị người dân đốn hạ không thương tiếc để lấy đất bán cho “đất tặc”. Mỗi ngày có đến hàng nghìn khối đất được hàng trăm lượt xe quá tải chở đi bán trái phép tại các khu xây dựng trên địa bàn huyện.
Máy xúc và hàng chục lượt xe tải chở đất vô tư vào ra trước sự chứng kiến của phóng viên.
Đặc biệt hơn, một phần trong số này được đưa về để san lấp cho chính chiếc ao lớn trong khuôn viên UBND xã Hợp Thành. Sự việc là vậy, tuy nhiên khi trao đổi với báo chí, chính quyền xã lại tỏ ra khá ngơ ngác.
Ngang nhiên xẻ đồi, bán đất
Lần theo một chiếc xe chở đất trọng tải lớn, đi từ ngã ba Sim (xã Hợp Thành) rẽ vào địa phận thôn 3 chừng 300m, đập vào mắt chúng tôi cả một khoảnh đồi rộng lớn đang bị các loại phương tiện lớn “xẻ thịt”. Tiếng gầm rú từ chiếc máy múc đang vươn vòi ngoạm từng mảng đất đồi đỏ au đổ lên thùng xe tải nằm chờ, xen lẫn với tiếng cưa xăng của người dân đang hạ đồi keo non bên cạnh.
Tiếp cận số đông người dân tại đây, được biết: Họ đang cắt hạ hết cả khoảnh đồi này để cho máy múc đất, hạ mặt bằng và mở đường cho khoảng dăm hộ dân nằm sâu bên trong. Hoá ra, đây thuộc diện đất giao rừng 50 năm cho người dân trồng rừng và quản lý. Tuy nhiên, không biết do vô tình hay cố ý, họ đã vin vào lý do mở đường để tiếp tay cho “đất tặc” lộng hành, làm xáo trộn, thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, sai với quy định của pháp luật.
Tiếp tục tìm hiểu, các hộ dân nơi đây cho biết, việc mở đường, lấy đất ở dây mới chỉ diễn ra trong ít ngày. Thế nhưng, tại hiện trường, hơn hai quả đồi cùng hàng trăm nghìn mét khối đất đã bị xúc đi đâu đó. Cũng trong khoảng thời gian chúng tôi tác nghiệp tại đây, hàng chục lượt xe chở đất có trọng tải lớn, liên tục vào, ra khá tấp nập.
Ông Lạch (thôn 3, xã Hợp Thành) - chủ sở hữu khoảnh đồi đang bị “xẻ thịt” phân trần: “Chúng tôi đã có tờ trình, có đơn gửi lên trên và đã được xã, huyện đồng ý. Thậm chí, mấy hôm trước còn có cả đoàn công an của tỉnh về làm việc, xã phải đứng ra xin chủ trương để cho thôn làm đường từ thôn 3 đi thông sang thôn 6, ra đường nhựa họ mới đi đấy!”(?).
Ông Lạch cũng cho biết thêm, cái được của gia đình ông là từ đất đồi keo được hạ xuống thành… vườn, cái được của xã là có đường rộng để đi, còn “đất tặc” thì có đất để bán. Bán đắt rẻ thế nào, bán cho ai thì các ông không biết! (Đúng là tiện cả… 3 đường). Trái lại, người con trai ông Lạch thì lại khẳng định chắc như “đinh đóng cột”: Có cho máy vào múc họ cũng không thèm thì bán cho ai!
Thậm chí hằng ngày, anh còn phải pha nước đá chanh, thuốc lào “nịnh” mấy tay lái xe, lái xúc thì họ mới chịu múc nhiệt tình cho. Khi chúng tôi giải thích về quy định: Để được phép cải tạo đất, khai thác tài nguyên đất với số lượng lớn thế này thì phải được sự cấp phép của UBND tỉnh Thanh Hoá; đơn vị khai thác phải là công ty, doanh nghiệp được cấp phép và có chức năng khai thác mỏ… thì một số người dân tỏ ra không đồng tình, tiếp tục quay lại với công việc đốn hạ keo, “giải phóng mặt bằng cho đám đất tặc thi công”.
Tiến gần lại chỗ chiếc máy múc đang hoạt động hết công suất, một trong số lái xe bật mí là họ làm công cho ông Phương, ông Nghĩa. Và số đất này được chở đi lấp ao nằm trong khuôn viên UBND xã Hợp Thành…
Để có câu trả lời thoả đáng trước thông tin trên, chúng tôi đã bám theo sau một xe chở đất, và quả thực họ đã nói đúng. Cách khu vực khai đất chừng hơn 1km về phía Nam là công sở UBND xã Hợp Thành.
Án ngữ ngay trước mặt công sở này là chiếc ao rộng đã được đổ đầy đất san lấp. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, số đất đổ vào đây chỉ là một phần nhỏ trong số đất đã được khai thác từ khu vực đồi keo. Rõ ràng, việc chính quyền xã Hợp Thành làm ngơ đã tiếp tay cho lực lượng “đất tặc” hoành hành trên địa bàn xã trong suốt thời gian qua.
Xã có tiếp tay?
Đem vấn đề này đến UBND xã Hợp Thành để tìm hiểu, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “Chủ tịch đang đi họp, Phó Chủ tịch đi tập huấn 2-3 ngày, còn Phó Bí thư chưa đến (lúc này là 2h15 phút - PV)”.
Xin số điện thoại và trực tiếp gọi cho ông Hà Xuân Tâm – Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, qua điện thoại, ông Tâm tỏ ra khá ngơ ngác: “Vấn đề này tôi cũng chưa nắm được! Không biết nhà thầu nó khai thác đất ở đâu đem về đó?!”.(?)
Trước câu trả lời khá “hồn nhiên” của ông Hà Xuân Tâm, ông Lê Phú Quốc – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn cũng tỏ khá bất ngờ và bất bình. Ngay lập tức, ông Quốc bốc máy, điện cho Chủ tịch UBND xã Hợp Thành yêu cầu kiểm tra sự việc và báo cáo về huyện.
Đồng thời, ông Lê Phú Quốc cũng điện thoại sang phía Công an huyện Triệu Sơn xin phối hợp, kiểm tra để kịp thời có phương án xử lý.