Ngày 24/8, CHDCND Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa từ tàu ngầm - đi được quãng đường - 500 km, về phía Nhật Bản trong một động thái được cho là phô diễn khả năng công nghệ của một quốc gia đang bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế sau hàng loạt các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
Tên lửa thử nghiệm được cho là thành công mà Triều Tiên khai hỏa hôm 24/8.
Thành công mới
Theo giới chuyên gia, khả năng khai hỏa tên lửa từ một tàu ngầm có thể giúp Triều Tiên tránh được hệ thống chống tên lửa mới mà phía Hàn Quốc đang lên kế hoạch lắp đặt và cho thấy một mối đe dọa mới ngay trong trường hợp họng súng hạt nhân cơ sở trên đất liền của Bình Nhưỡng bị tiêu hủy.
Tên lửa đạn đạo nói trên được khai hỏa vào khoảng lúc 5h30 sáng 24/8 tại một nơi gần thành phố ven biển Sinpo, nơi một tàu ngầm của Triều Tiên được triển khai - giới chức Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Tên lửa này sau đó đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản, sự kiện chưa từng có tiền lệ trước đây. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã phải đưa ra một thông báo ngắn, trong đó đề xuất thiết lập một khu vực kiểm soát có sự phối hợp giữa nhiều nước để đảm bảo an ninh trên không.
Còn theo Hãng thống tấn Yonhap của Hàn Quốc, tên lửa được bắn đi theo một góc độ cao, điều cho thấy nó có thể đạt tầm bắn xa nhất vào khoảng 1.000 km. Chỉ riêng tầm bắn này cũng đã cho thấy Triều Tiên đã thành công bước đầu trong việc thúc đẩy phát triển công nghệ tên lửa trang bị trên tàu ngầm của họ - theo giới chuyên gia.
Công nghệ tên lửa đạn đạo khai hỏa từ tàu ngầm – hay còn gọi là SLBM – của Triều Tiên dường như đã đạt bước tiến mới - một quan chức quốc phòng giấu tên của phía Hàn Quốc nói với Reuters.
Jeffrey Lewis - chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury - cho rằng vụ thử nghiệm tên lửa này có thể đã thành công. “Chúng tôi không biết được tầm bắn lớn nhất của nó, nhưng 500 km đã được coi là tầm bắn xa nhất của một đầu đạn rồi. Dù sao thì tên lửa đó đã thành công” - vị chuyên gia nhận định.
Bắc Kinh từ lâu đã là một đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng họ vẫn tham gia các nghị quyết trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ áp dụng đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc coi việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc là một hành động khiêu khích.
Trong một phản ứng đưa ra sau vụ thử tên lửa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho hay, Bắc Kinh phản đối chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và mọi phát ngôn gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng lên án vụ thử tên lửa và cảnh báo rằng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt mới và biện pháp cô lập đối với CHDCND Triều Tiên.
“Sự việc này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản, và là hành động không thể tha thứ gây tổn hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực” – Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói trong một cuộc họp báo hôm 24/8.
Căng thẳng gia tăng
CHDCND Triều Tiên đã trở nên bị cô lập hơn kể từ sau vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng Một năm nay – vụ thử lần thứ tư của họ - cùng vụ thử tên lửa tầm xa hồi tháng Hai, khiến họ bị áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc chưa từng có của LHQ. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm nhiều tên lửa thuộc các chủng loại khác nhau, trong đó có một tên lửa đã hạ xuống vùng biển mà Nhật Bản kiểm soát hồi đầu tháng này.
Joshua Pollack - chủ biên của tờ Nonproliferation Review chuyên về giải giáp vũ khí - nói rằng vụ thử nghiệm vừa qua của Bình Nhưỡng mang ý nghĩa đặc biệt, tương tự như việc tuyên bố rằng nước này đã sở hữu công nghệ SLBM như một bước đột phá trong công nghệ quân sự, mà trước đây vốn chỉ được sở hữu bởi 6 cường quốc trên thế giới.
Hàn Quốc hiện tin rằng Triều Tiên sở hữu một hạm đội gồm 70 chiếc tàu ngầm - gồm tàu ngầm do Nga, Trung Quốc sản xuất, và cả tàu ngầm mà họ tự chế tạo. Và mục tiêu tương lai của Bình Nhưỡng là sở hữu hạm đội tàu ngầm tân tiến, có tầm bắn xa hơn và số lượng nhiều hơn.
CHDCND Triều Tiên hồi đầu năm từng tuyên bố họ đã thành công trong việc chế tạo đầu đạn thu nhỏ lắp đặt vừa trên tên lửa đạn đạo, dù giới chuyên gia quốc phòng nghi ngờ điều này. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mới đây càng thêm phần gia tăng sau vụ việc một nhà ngoại giao của Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc.