Trong hôm 2/10, Triều Tiên đã phóng ít nhất 1 tên lửa ra vùng biển phía Đông nước này, trong đó Hàn Quốc tin rằng nó được phóng từ tàu ngầm. Vụ phóng được thực hiện chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố nối lại đàm phán với Mỹ nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Reuters).
Vi phạm EEZ của Nhật Bản
Sau khi vụ thử diễn ra, Phát ngôn viên của Chính phủ Nhật Bản nói rằng tên lửa đạn đạo trên có thể đã tách ra làm hai phần trước khi rơi xuống vùng biển phía Tây của họ.
“Vào thời điểm này, dường như một tên lửa đã được phóng đi, tách ra làm hai và rơi xuống. Chúng tôi đang tiếp tục phân tích để nắm thêm chi tiết”- Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, nói trong một cuộc họp báo cùng ngày.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã lên án vụ phóng mà ông cho là có 2 tên lửa đạn đạo được khai hỏa, một trong số đó rơi xuống vùng biển thuộc Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ, thêm rằng đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo nhận định của giới chuyên gia, vụ phóng này có khả năng là một “lời nhắc nhở” của Triều Tiên - nước từng bác bỏ các nghị quyết cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, cho rằng nó cần thiết trong việc tự vệ - về khả năng ưu việt của các loại vũ khí mà họ đang sở hữu ngay trước các vòng đàm phán với Washington.
Các vòng đàm phán nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên vốn đã lâm thế bế tắc kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tổ chức hồi tháng Hai năm nay, trong đó hai bên không đưa ra được tuyên bố chung.
Quân đội Hàn Quốc cho hay, tên lửa mà Triều Tiên phóng đi bay được 450 km và đạt độ cao 910 km. Dường như đây là tên lửa lớp Pukguksong hiện vẫn đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc đã thể hiện “quan ngại sâu sắc” trước vụ thử nghiệm thứ mà họ tin là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), ngay trước thềm các vòng đàm phán cấp làm việc Mỹ-Triều.
Quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa này được phóng từ vị trí gần Wonsan, địa điểm có một trong số các căn cứ quân sự ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên, hướng ra phía biển. Hiện chưa có lời giải thích về việc Nhật Bản trước đó cho hay có tới 2 tên lửa được phóng đi.
Được biết, Triều Tiên đã phát triển công nghệ SLBM từ trước khi ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân để ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ trong Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tổ chức vào tháng 6/2018 tại Singapore.
Nhiều tháng bế tắc
Hãng CNBC dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên nói rằng: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và tham vấn với các đồng minh trong khu vực”.
Đây là vụ thử thứ 9 mà Triều Tiên thực hiện kể từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại khu phi quân sự (DMZ) hồi cuối tháng 6, nơi mà hai nhà lãnh đạo nhất trí mở lại các vòng đàm phán cấp làm việc. Chỉ vài giờ trước vụ phóng hôm thứ Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên choe Son Hui nói trong một tuyên bố rằng các vòng đàm phán mới sẽ được tổ chức trong hôm thứ Bảy tuần này, một diễn biến mang tới hy vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
“Dường như Triều Tiên muốn làm rõ vị thế đàm phán của họ ngay trước khi các vòng đàm phán diễn ra” - Harry Kazianis, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia, nhận định - “Bình Nhưỡng dường như muốn Washington phải nhượng bộ trong yêu sách giải giáp hạt nhân toàn diện trước khi gỡ bỏ cấm vận”.
Tổng thống Trump từng lên tiếng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của loạt vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn mới đây của Triều Tiên- trong đó có vụ thử hồi tháng 9- nói rằng Mỹ và Triều Tiên “không hề có thỏa thuận về tên lửa tầm ngắn” và rằng có rất nhiều nước cũng thử nghiệm loại tên lửa này.