Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm đi-ô-xin. Số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Gần 10.000 xã bị ô nhiễm do bom mìn
Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề qua các cuộc chiến tranh. Hiện Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, phơi nhiễm đi-ô-xin. Số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Ông Trần Hữu Thanh, Trưởng phòng Đối ngoại, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết, kết quả khảo sát của Bộ Quốc phòng cho thấy, Việt Nam có 9.116 xã trong tổng số 11.134 xã (tương đương 81,87%) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước còn ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ. Diện tích ô nhiễm còn khoảng 5,6 triệu ha với khoảng 600 - 800 nghìn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bom mìn còn sót lại gây ra nhiều vụ tai nạn tạo thành thương tật vĩnh viễn cho người dân khi họ đi rà tìm phế liệu, canh tác trên đất có bom mìn, thậm chí là trẻ em vô tình nhặt được bom mìn gây nổ.
Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn đến năm 2025 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã rà phá bom mìn trên 300.000 ha đất đai. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm rà phá thêm 50.000ha.
Cùng với việc ưu tiên rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Nhờ đó, các nạn nhân bom mìn được thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, trợ giúp nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng. Cùng với chính sách phúc lợi xã hội, Bộ LĐTB&XH đã thúc đẩy mô hình giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, trong đó có các nạn nhân của bom mìn thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm, các hội người khuyết tật ở các địa phương với mục tiêu giới thiệu việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho hàng nghìn người khuyết tật.
Cần nhiều hơn các chính sách trợ giúp xã hội
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐTB&XH đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, tập trung 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật.
Theo đó, các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chất. Sự trợ giúp từ Nhà nước đã phần nào đáp ứng nhu cầu của nạn nhân, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và cải thiện điều kiện sống cho họ.
Theo ông Đoàn Hữu Minh, cán bộ quản lý dự án Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn trên toàn quốc đóng vai trò rất quan trọng. Từ đó, nhà nước mới có thể nắm bắt được nhu cầu của từng người để hỗ trợ thích hợp và kịp thời theo mô hình thực hành công tác xã hội.
Ông Minh khuyến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần hoạch định chính sách; xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá và phản hồi; nâng cao năng lực cán bộ xã hội; cập nhật hệ thống đăng ký thông tin; đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa công tác khắc phục hậu quả bom mìn với phát triển bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, dễ tiếp cận; thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu là cốt lõi, ứng dụng thiết bị công nghệ vào khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân.