Trở lại Bình Liêu, về với mảnh đất biên cương mà tôi đã có 10 năm gắn bó. Nhớ một ngày đầu hè năm 1976, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân di dời từ căn cứ Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) để lên biên giới...
Mảnh đất nhiều kỷ niệm
Ngày đó đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế nơi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Cũng có ngờ đâu, từ nhiệm vụ san núi mở đường và cùng ngành lâm nghiệp trồng cây gây rừng, phủ kín đồi núi trọc vậy mà chúng tôi đã phải buông tay dao, tay cuốc để cầm cây súng. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới gian khó ấy đã đọng lại trong tim tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Những giây phút đầu tiên khi đặt chân lên thị trấn Bình Liêu đã đem lại cho tôi nhiều ngỡ ngàng. Đã qua rồi một dãy phố nhỏ với khu chợ đìu hiu. Đã qua rồi những con đường đất đỏ bụi mù, mệt nhoài những bước chân đi bộ. Hiện diện trước mắt tôi là một thị trấn huyện lỵ của huyện Bình Liêu với cảnh sắc cùng những con người vui tươi, hấp dẫn. Thị trấn Bình Liêu hiện nay to và rộng với 20 khu phố đều bắt đầu từ chữ “Bình” như khu phố: Bình An, Bình Công, Bình Dân... Đường phố chính của thị trấn rộng thênh thang, hai bên là những tòa nhà cơ quan huyện và những khách sạn sang trọng. Một thị trấn biên cương đang chuyển mình và đang vẫy gọi du khách.
Chúng tôi được các nhân viên của khách sạn Bình Sơn chào đón nhiệt tình và chỉ tay lên tấm bản đồ huyện Bình Liêu treo trên tường. Nhìn tấm bản đồ với những chỉ dẫn về kinh tế, về du lịch và về xây dựng thôn bản theo mô hình “nông thôn mới” lòng chúng tôi dấy lên niềm tự hào chung với người dân nơi đây. Tôi chợt nhận ra: Các nhân viên ở khách sạn này giờ kiêm luôn việc xúc tiến du lịch và quảng bá hình ảnh cho huyện nữa.
Bình Liêu là một huyện biên giới có tổng diện tích tự nhiên 47.510ha, với 96% là người dân tộc thiểu số, trong đó người Tày chiếm đa số. Huyện có điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp từng được xem như một Sa Pa ở vùng Đông Bắc. Văn hóa dân tộc vẫn được bảo tồn và phát huy như: Nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, Hội Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Lễ hội Đình Lục Nà... là nguồn tài nguyên phong phú, thuận lợi để huyện Bình Liêu phát triển du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng gắn với các trung tâm du lịch lớn có nhiều địa điểm dành cho du khách.
Nhớ lúc còn ở Hà Nội, chúng tôi đã được nghe kể về tiềm năng du lịch của huyện Bình Liêu giờ đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của Quảng Ninh. Đó là một điều khiến tôi háo hức, bởi suốt 10 năm sống và chiến đấu ở nơi đây, Bình Liêu trong tôi chỉ là vùng đất nghèo với địa hình đi lại khó khăn.
Các nhân viên khách sạn Bình Sơn cho chúng tôi hay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có nhiều địa điểm du lịch tự nhiên như thác Khe Vằn, như đỉnh Cao Xiêm, như đỉnh Cao Ba Lanh, như đỉnh Cao Ly. Địa điểm được tạo mới trong quá trình xây dựng cũng có và phượt cột mốc để chinh phục sống lưng khủng long hiện được giới trẻ lựa chọn rất nhiều. Anh Cường, nhân viên khách sạn còn nói chắc nịch: Mảnh đất Bình Liêu đang mời gọi du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ của mình.
Cùng với thăm thú cảnh quan, tôi quyết định tìm hiểu về xây dựng đời sống của người dân nơi đây, cũng dễ hiểu thôi, đơn giản là vì lần tới Bình Liêu này trong tôi mách bảo: Trở về để tin yêu hơn nơi mình đã có 10 năm gắn bó.
Chuyển mình mạnh mẽ
Đất Bình Liêu chủ yếu là rừng. Nhớ hồi còn ở đó, những lần chúng tôi hành quân từ trong bản ra, đường núi xa mệt thế vậy mà chợt lòng vui vui khi đi dưới những chùm hoa sở, hoa trẩu nở trắng bạt ngàn. Chẳng thế mà giờ đây huyện Bình Liêu đã có hẳn một lễ hội mang tên là “Lễ hội hoa sở trắng”.
Hôm nay, Bình Liêu hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh vô cùng sinh động. Dấu ấn của mùa xuân còn vương vấn bởi những cánh hoa đào nở muộn trong từng thôn bản. Và kia, dưới những cánh rừng bạt ngàn là những ruộng lúa bắt đầu vào thì con gái, màu xanh nõn nà của cây lúa đang báo hiệu một mùa no đủ. Còn đây, những vạt đồi cây dong riềng đang ở độ sinh trưởng lá xanh mơn mởn. Nếu trước kia, Bình Liêu có hồi, quế là lâm sản thì từ khi nghề miến dong truyền thống được khôi phục lại theo hướng sản xuất hàng hóa thì cây dong riềng cũng được xếp vào nhóm đó. Đây là loại cây dễ tính không cần chăm sóc nhiều, cũng không cần đất rộng nên được bà con trồng khắp mọi nơi từ bờ suối, khe đá đến chân núi. Cây dong riềng đã được khẳng định là cây xóa đói giảm nghèo của bà con ở đây bởi đơn giản miến dong Bình Liêu ngày càng được người tiêu dùng biết đến.
Rẽ vào bản Húc Động, bản ở dưới chân núi Cao Ly, ngọn núi mà đơn vị tôi từng đóng quân trên đỉnh, chúng tôi được anh Chu A Chóng cho biết: Hàng năm cứ vào độ cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch, những gia đình làm miến như gia đình anh lại vác cuốc lên nương để trồng củ dong riềng. Không mất nhiều công sức chăm bón nhưng phải đợi đến tận cuối năm, khi cây dong riềng trên nương bắt đầu lụi, thân cây khô héo thì bà con mới thu hoạch. Trước khi cho vào máy xát phải ngâm, rửa cho đến khi củ dong riềng trắng trẻo, sạch sẽ. Củ dong riềng được xát nhuyễn thành bột còn phải vắt, lọc lấy bột rồi để lắng, gạt bỏ tạp chất. Lấy được tinh bột trắng rồi tãi ra nong phơi nắng cho khô. Tiếp đến phải hòa bột để nấu chín, tráng thành bánh đa, đem phơi thêm một nắng nữa rồi dùng dao thái thành sợi miến rồi mới lại đem phơi khô. Miến dong Bình Liêu được làm bằng bột củ dong riềng nguyên chất.
Được biết thêm huyện Bình Liêu tập trung chỉ đạo lập “Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050” và “Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 thị trấn Bình Liêu mở rộng sau sáp nhập với xã Tình Húc”. Tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện “Đề án tái cơ cấu sản xuất Nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai thực hiện “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh”, huyện Bình Liêu đã triển khai quy hoạch rừng tập trung và trồng cây gỗ lớn (lim, giổi, lát), đến nay trồng được 133.120 cây (trong đó, 6.500 cây giổi, 200 cây lát, 52.000 cây hồi, 73.000 cây quế, 1.420 cây thông).
Chỉ nghe sơ sơ như vậy mà chúng tôi đã rộn ràng háo hức, một huyện biên giới xa xôi giờ đã chuyển mình mạnh mẽ. Con đường nối từ thị trấn Tiên Yên lên cửa khẩu Hoành Mô xưa trơn trượt, quanh co đèo dốc nguy hiểm là thế giờ được nâng cấp và đặt tên là đường quốc lộ 18C. Đường chạy song song với sông Tiên Yên, đã được hạ dốc, nắn cua, mở rộng gấp ba gấp bốn lần và được trải bê tông asphalt xe chạy êm ru. Nhớ năm nào mỗi khi đi qua đường này tôi lại run run bởi những con đèo cua gấp. Thêm nữa, đường 18C không chỉ dẫn đến cửa khẩu Hoành Mô mà còn kéo dài tới tận khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái nhờ việc “nhập làn” với con đường tuần tra chạy dọc tuyến biên giới, tạo nên tour du lịch lên rừng xuống biển rất thuận lợi.
Một ngày trở lại Bình Liêu trôi nhanh, chiều đã bắt đầu xuống, bóng núi in đậm màu xanh sẫm trên sông Tiên Yên. Đã đến lúc phải quay về Hà Nội, tự dưng trong lòng tôi bỗng xốn xang lưu luyến.