Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội hơn 50km về phía Tây, dọc theo Quốc lộ 32 hướng thị xã Sơn Tây. Tới nay, ngôi làng vẫn giữ được những nét văn hóa của người Việt xưa, cho dù sự xuất hiện của những ngôi nhà bê tông cao tầng là khó tránh khỏi.
Cổng làng Mông Phụ.
Ngôi làng di sản
Bước qua cổng làng Mông Phụ, cuộc sống hiện đại ồn ã tạm lùi lại phía sau. Một không gian yên ả, hiền hòa của “ấp hai vua” trải ra trước mặt với hồ sen đang vào mùa nở rộ. Tới đây để nghe tiếng bước chân mình rộn lên trong từng ngõ nhỏ, hay chạm tay vào lớp đá ong xù xì mát rượi của chiếc cổng làng còn sót lại, hẳn sẽ cảm thấy có điều kỳ diệu nào đó còn tiềm ẩn dưới lớp đá dày trầm mặc tích tụ từ bao đời.
Khắp nẻo đường làng phảng phất hương lúa ngọt ngào. Đâu đó trên những mảng tường được phủ lốm đốm lớp rêu xanh. Nếu du khách đến với phố cổ Hội An để được tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hoá đặc trưng của cuộc sống đô thị từ thế kỷ 16 - 17 ở xứ Đàng Trong với những ngôi nhà, phong tục, lễ hội, ẩm thực, kiến trúc đại diện cho những tầng lớp thương gia thời ấy, nơi phố Hội có những nét pha trộn du nhập nền văn hoá bang giao đến từ xứ sở Phù Tang, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc... thì khi đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, người ta lại được hoà mình, được chiêm ngưỡng một bảo tàng thôn dã Bắc Bộ.
Tuy được gọi là làng nhưng thực chất làng cổ Đường Lâm xưa gồm 9 làng thuộc Cam Giá Thịnh trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề với nhau. Các làng này gắn kết thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm.
Đường Lâm cho đến nay vẫn còn hơn 900 ngôi nhà truyền thống, trong đó những ngôi nhà xưa nhất được xây từ những năm 1649, 1703 và 1850... Đặc trưng của các nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối đá ong. Không chỉ có vậy Đường Lâm còn có 8 di tích lịch sử - văn hóa trong đó nổi bật nhất là chùa Mía. Bên cạnh đó những nghề thủ công của Đường Lâm cũng là một đặc điểm rất hấp dẫn tạo nên dáng vẻ riêng cho ngôi làng này.
Điểm nhấn của Đường Lâm là đình Mông Phụ 600 năm giữa trung tâm của làng. Người dân Đường Lâm tự hào về ngôi đình này, bởi đình được đặt ở một thế đất cực đẹp, hai bên hông đình có hai giếng nước là hai con mắt rồng. Nét độc đáo của đình Mông Phụ ở chỗ, đình có sàn gỗ, đây là dấu ấn của kiểu kiến trúc Việt - Mường và khác với kiến trúc hiện đại, thường sân và nền nhà cao hơn đường thì ở đây sân đình lại thấp hơn so với mặt bằng xung quanh.
Điều khác thường ấy chính là dụng ý của người xưa, khi mưa, nước từ tứ phía sẽ đổ vào sân đình, bởi nước phải chảy chỗ trũng. “Tụ thủy sinh tài lộc”, chắc hẳn đó là khát vọng của người xưa về một cuộc sống đủ đầy, no ấm cho dân làng. Còn một nét độc đáo nữa, khu vực sân trước đình rộng mênh mông, có thể coi đây là điểm giao nhau của một “ngã sáu”, từ đây có 6 con đường tỏa đi các hướng và cũng từ 6 hướng lại quy tụ về đây. Song điều đặc biệt, từ sân đình, người ta theo 6 con đường đi về bất kể xóm nào nhưng không hề quay lưng lại với hướng đình.
Nét văn hoá ẩm thực Đường Lâm cũng đậm hồn cổ người Việt với các món ăn rất bình dị, mộc mạc bằng những sản vật từ chính miền quê bán sơn địa này, đó là: thịt gà Mía, xôi nếp, bánh tẻ, chè kho, chè lam, rượu, cá kho tương, đậu phụ, cà xé phay; ăn xong tráng miệng bằng bát nước chè tươi với củ khoai lang vàng nghệ cùng một số hoa quả đặc trưng khác như: ổi găng, ổi tây, mít, xoài, hồng xiêm, đu đủ, chuối, dứa, hay vài bắp ngô luộc cùng bát nước ngô luộc sánh thơm…
Trải nghiệm Homestay.
Trải nghiệm homestay
Tại đây, hình thức du lịch homestay được những người thích cuộc sống thôn dã và khám phá tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Tuy nhiên, do mới thực hiện nên homestay Đường Lâm mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức ăn uống cho du khách, cho thuê xe đạp để du khách tự khám phá mà chưa thật sự có một chương trình hoàn chỉnh và cũng mới chỉ được thí điểm đón khách, sinh hoạt, ăn ở tại 15 hộ gia đình trong làng.
Chúng tôi tới khu nhà của gia đình bà Hồng tại thôn Mông Phụ. Trước đây nó là một ngôi nhà cổ, nhưng đã được xây mới lại theo hướng cổ cách tân, nguyên liệu 100% bằng gỗ chứ không phải đá ong hay gạch mộc, xây dựng rất công phu để phục vụ du lịch, với các dịch vụ thuê trang phục, phụ kiện truyền thống và thu phí tham quan, chụp ảnh. Cách làm ấy cũng là để góp phần duy trì những nét cổ, đồng thời phù hợp với thời đại.
Còn ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng với vẻ đẹp cổ kính đã thực chinh phục chúng tôi. Ngoài cổng ngõ là bức tường bằng đá ong, loại đá được đào dưới lòng đất, cánh cổng được làm bằng loại gỗ xoan đào. Tiến vào là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ, khuôn viên ngôi nhà đặt chính giữa với xung quanh là vườn cây và giếng nước.
Phía bên trong ngôi nhà là kiểu thiết kế mang đậm nét truyền thống, với mái hiên và mái nhà đều thấp. Bên góc phải ngôi nhà 5 gian là bộ bàn ghế thiết kế kiểu cổ, nhưng sáng bóng với bộ ấm chén pha trà đặt trên khay làm bằng tre nứa. 3 gian giữa là không gian sinh hoạt.
Chiếc sập được kê bên trái, tủ chè ở giữa. Ngoài ra còn có nhà bếp với lò củi truyền thống và 1 phòng ngủ nhỏ. Đồ trang trí đậm chất dân gian Việt Nam. Chiếc quạt trần được sơn cùng màu gỗ cùng bộ đèn trang trí, có chút hiện đại nhưng hữu ích khi trời nóng. Nhà có rất nhiều cột trụ, khách tới đây muốn vào nhà phải cúi khom người.
Vật liệu để xây nhà là gạch mộc, loại gạch được đào dưới ao sâu, khi bùn khô được đem lên và cho vào khuôn gạch. Ngói lợp nhà là ngói mũi ri - một loại ngói rất mỏng và nhỏ, được làm bằng gốm, khi lợp tốn rất nhiều công sức nhưng lại rất đẹp... Và trải nghiệm không gian nhà cổ tại Đường Lâm đã mang lại cho du khách khoảng thời gian thú vị.
Nhưng cũng dễ nhận thấy, cái khó để phát triển du lịch homestay ở Đường Lâm hiện nay là một số nghề truyền thống của làng như nghề đá ong, nghề mộc hầu như không còn; hệ thống nhà cổ hoặc đang tu sửa, hoặc đang xuống cấp, chật chội; người dân chưa biết cách làm du lịch, vốn tiếng nước ngoài cũng còn hạn chế…
Mô hình du lịch homestay đang mở ra hướng đi mới cho Đường Lâm, nhưng quan trọng là người dân có “chịu” mở cửa đón khách áp dụng cách làm du lịch homestay hay không mà thôi.