Nhà thơ Trương Anh Tú đón hai mẹ con tôi ở ga tàu Frankfurt. Chúng tôi đã quen nhau từ năm 2000. Năm 2000 tôi đã đến nhà Tú và Dung ở một đêm.
Nhà Tú ở ngoại ô. Từ ga tàu điện đi bộ khoảng hơn cây số thì về đến nhà. Tháng 8 mùa thu hoạch, con đường chúng tôi qua hoa trái đầy cành, lúa mì đã gặt xong, phần gốc đã được máy cuộn thành những cuộn to để trên cánh đồng. Đất ruộng đã được làm sạch sẽ, bằng phẳng không gợn một gốc lúa mì nào còn sót lại. Các cuộn cỏ khô và phần thân cây lúa mì sẽ dành cho bò ăn mùa đông giá lạnh.
Cây mận tím cổ thụ lủng liểng quả tím ngắt với lớp phấn trắng trên vỏ cứ níu chân tôi. No mắt cũng sướng như no bụng mà. Dung bày món ăn nhẹ và trà nóng cho hai mẹ con.
- Phải tranh thủ thời gian để đi chơi chị à. Chị và cháu nếu không mệt thì ta đi nhé - Tú nói.
- Không mệt đâu, đi chứ. Năm 2000 chị chưa được đi chơi mà – Tôi quả quyết.
Buổi chiều đầu tiên ở Frankfurt, Tú đưa hai mẹ con đến nóc nhà rất cao, từ đây có thể trải rộng tầm nhìn xa trên 10 km vào hôm thời tiết đẹp như thế, con sông ngoằn ngoèo uốn lượn quanh thành phố, những mái nhà nhấp nhô màu xám... Và cuối cùng mục sở thị một cảnh quay dự báo thời tiết của đài truyền hình. Buổi hoàng hôn chúng tôi ngồi trên bãi cỏ triền sông, trí não tôi thanh sạch không một rợn bụi.
Trời tối sẫm chúng tôi quay về nhà, Dung làm bún thang rất ngon. Tôi và Hà - con gái, đã tranh thủ tắm gội trong lúc Dung làm bữa tối. Tú nói, ở đây không tắm sau 10 giờ đêm chị ạ, sẽ gây tiếng ồn cho nhà tầng dưới. Bữa ăn chóng vánh, chúng tôi không muốn sa đà vào việc ăn uống khi bữa tiệc nhạc và thơ đang chờ.
Thi, con gái của Tú và Dung, vô cùng đáng yêu và tài giỏi vừa đàn piano vừa hát, giọng hát rất ma mị. Thi đã từng đoạt giải thưởng về đàn piano nhưng cô bé quyết định không đi theo con đường âm nhạc. Dung và Tú đều là tay chơi guitar cự phách. Tú con phổ nhạc cho những bài thơ của mình.
Hôm sau Tú đưa chúng tôi đi dọc con sông Rhein đến nơi Henrich Hainơ đã làm bài thơ nổi tiếng về nàng Loreley. Trong trí não tôi cứ vang lên những vần thơ:
“Chốn non cao, ngồi đó rạng ngời,
Đồ nữ trang ánh vàng lên chói lọi,
Nàng nhẹ nhàng chải mái tóc vàng tươi.
Chiếc lược vàng nàng chải mái tóc vàng
Và hát lên một khúc ca tình tứ
Với giai điệu thật lạ kỳ quyến rũ,
Khiến lòng người xúc động xốn xang…”.
Chúng tôi theo dòng người du lịch leo lên trên đỉnh núi rồi từ đó nhìn xuống dòng sông. Con sông Rhein uốn lượn quanh những quả núi với cách vách núi dựng đứng, dưới lòng sông là đá ngầm lởm chởm. Một khúc quanh nơi nhìn thẳng xuống dòng sông người ta tạc từ một phiến đá thành một chiếc ghế với truyền thuyết rằng nàng Loreley đã ngồi trên đó đến hát khúc hát mê hoặc kia…
Thời tiết đẹp nên đi bộ bao xa cũng không bị mệt, cảnh chỗ nào cũng đẹp, dừng chân bên bãi có chúng tôi nằm ngồi bò xoài mang đồ ra ăn, chọc nhau cười đùa. Khi tụt xuống chân núi chúng tôi vào nơi dừng chân, ở đấy có một quầy bán hàng lưu niệm, các postcard in những thắng cảnh ở nơi đây và phía sau in bài thơ đã được dịch ra hơn 60 thứ tiếng khác nhau. Thế đấy nhà thơ đã chắp cánh cho nàng tiên cá bay xa hơn dòng sông Rhein.
Năng lượng của Trương Anh Tú vô cùng dồi dào, mỗi ngày lái xe đưa chúng tôi đi chơi vừa đi vừa về hơn 500 cây số, rồi chụp ảnh, rồi kể những câu chuyện. Buổi sáng khi chúng tôi còn đang ngủ Tú đã dậy đi chợ rồi Dung nấu ăn. Tú gói thức ăn cho bữa trưa.
Tú luôn muốn chúng tôi đi được thật nhiều nơi. Chúng tôi đến nhà thờ lớn Cologne, được xếp hạng di sản thế giới từ năm 1996. Với kiến trúc Gothic thời trung cổ đẹp nhất châu Âu, nơi này hàng năm thu hút từ 5 đến 7 triệu du khách đến tham quan. Con gái tôi mê mẩn với kiến trúc của nhà thờ, ngắm từ xa đến gần, sờ từng phiến đá...
Hoàng hôn rực rỡ trên sông Rhein, dòng người tấp nập trên cây cầu đi bộ. Hai bên lan can cây cầu dài kín đặc những chiếc khóa các kiểu như một thành lũy. Hai mẹ con đi bộ ngắm dòng sông và ngắm các cái khóa từ thời “cổ lai hi” đến hiện đại, từ khóa dây đến khóa bé tí tẹo. Nắng xiên để những ánh lấp lóa trên gương mặt hớn hở của đàn bà U60 khi nghĩ ra một trò chơi đếm tình yêu qua những chiếc khóa, thì ít nhất cũng là triệu tình yêu trên cây cầu này.
Hai bên bờ sông người ngồi kín trên bậc đá kè sông. Ánh chiều tà khiến mặt ai cũng rạng rỡ, mặt sông phẳng lặng chỉ hơi gợn chút sóng.
Buổi sáng cuối cùng ở nhà Tú sau bữa sáng hát và đàn, Tú rủ tôi và Dung vào rừng. Trời se lạnh tôi mặc thêm áo khoác. Chúng tôi đi tắt qua cánh đồng rồi đi vào rừng, không chỉ là đường mòn mà đường được trải một lớp nhựa mỏng. Hai bên đường quả mâm xôi chín đỏ và to, cây mâm xôi tốt bời bời những ngọn mập mạp chen nhau đua ra phía nắng…
Vừa đi vừa nói chuyện đã đi qua khu rừng đến khu vườn táo. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy những cây táo tây đỏ au lúc lỉu quả, quả nào cũng đẹp quả nào cũng ngon. Nhà thơ Trương Anh Tú bảo:
- Chị thích quả nào thì hái quả ấy. Ở đây người ta cho ăn thỏa thích nhưng đừng hái mang về là được.
Những cây táo còn non lúp xúp mà quả sai từ gốc đến ngọn nên vừa tầm tay hái. Ăn xong một quả thì đã no rồi.
No mắt rồi chúng tôi đi về ngang qua một cây lê cổ thụ, gốc rất to và cao vút. Từ gốc cành non ra từ năm trước năm nay quả đã lủng liểng. Lê mới ương ăn giòn ngọt có hơi vị ổi rất thú vị. Tú hái hai quả cầm tay, Dung hái ba quả. Tôi cũng cầm tay ba quả. Chúng tôi thong thả về nhà.
Chúng tôi ăn trưa rồi thu xếp đồ đạc, buổi chiều chúng tôi sẽ đến nhà Thanh ở Marburg.
Tôi và Thanh cũng quen nhau từ lâu rồi, Thanh gọi tôi là chị cả và xưng là em dại. Thanh làm thơ và là nhiếp ảnh gia nổi tiếng.
Thanh đón chúng tôi vào ngay căn bếp rộng. Bún gà măng rôm rả như bếp nhà Hà Nội. Nhà Thanh rất rộng, có đủ phòng riêng cho hai mẹ con, cho gia đình Tú. Ở tầng 1 là cửa hàng bán đồ ăn châu Á của Thanh và người bạn. Năm 2000 tôi đã ở thành phố này 3 ngày, lần trở lại này không khỏi xao xuyến. Tôi với Thanh tranh thủ đến thăm giáo sư Gunter Giesenfeld và bà Marian Ngo - người đã dịch sách của tôi sang tiếng Đức.
Thanh chở tôi đến nhà ông bà, căn nhà vẫn như thế 15 năm trước, đầy ắp sách. Hình như thiếu một thứ, bộ sưu tập máy ảnh của ông trước đây nó ở chỗ này, nay là một tủ sách. Tôi hỏi ông Gunter:
- Bộ sưu tập máy ảnh của ông đâu rồi?
- Tôi đã chuyển nó đến bảo tàng. Tôi lập một bảo tàng về bộ sưu tập máy ảnh và những thước phim tư liệu mà tôi đã sưu tập 50 năm nay. Bảo tàng của tôi mở cửa cho mọi người vào xem, nó cách đây mấy dãy phố.
Ông hỏi tôi và con gái ở đâu? Nhà ông vẫn còn phòng trống. Ông hỏi, tôi và con gái có cần giúp đỡ gì không? Tôi nói với ông, chúng tôi ở nhà Thanh và tôi đến thăm ông bà như thế này là đủ rồi.
- Chúng tôi xin lỗi vì đã không thể dịch thêm các tác phẩm của Y Ban dù nó rất tốt - Ông nói.
- Tôi rất hiểu mà, còn nhiều tác giả khác của Việt Nam cần ông giới thiệu với độc giả Đức - Tôi nói với ông.
Ông khuyên tôi nên gặp một số dịch giả khác. Tôi nói không có nhu cầu cấp thiết quảng bá các tác phẩm của mình, hữu xạ tự nhiên hương, sẽ có người như ông năm 1999 đã đánh giá cao các tác phẩm của tôi mà dịch chúng sang tiếng Đức rồi mời tôi sang Đức để quảng bá các tác phẩm đó.
Ông gật gù. Ông mời chúng tôi bữa cơm tối ở nhà hàng gần đó. Tôi và Thanh từ chối, vì chúng tôi sẽ có bữa tiệc nhỏ với bạn bè đang chờ ở nhà.
Hôm sau, Thanh đưa chúng tôi đến một lâu đài cổ. Chúng tôi ngồi chờ hàng giờ đồng hồ để xem đài phun nước cổ phun nước, hàng ngàn người cũng chờ như chúng tôi. Khi tia nước đầu tiên bắn lên tất cả mọi người đều đứng lên để sẵn sàng chạy. Tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng bản tình ca nhạc nước được phối khí bằng tiếng cười trong trẻo thơ ngây như thế. Suốt 30 phút đài phun nước hoạt động bạn sẽ không thể đoán được nước sẽ phun vào bạn khi nào. Lâu đài cổ được xây dựng cách đây hơn 800 năm mà mọi thứ vẫn ổn và nề nếp như thuở ban đầu.
Trên đường xuống núi chúng tôi còn đi qua những cánh rừng và các lâu đài khác, mỗi lâu đài đẹp một vẻ.
Buổi sáng chia tay mưa lất phất, chúng tôi đều tâm trạng nên không nói chuyện rôm rả.
Cuộc trở lại nước Đức vô cùng thân thương. Hình như tôi không nói lời cảm ơn với Tú, Thanh, Thương, Dung, Thi. Tôi không nói bởi lời cảm ơn ấy nó không thể và không bao giờ chứa hết được xúc cảm của tôi với các em.