Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng mạnh khiến nghề đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều ngư dân Bạc Liêu phải cho tàu nằm bờ. Hơn lúc nào hết họ đang cần hỗ trợ để an tâm vươn khơi, bám biển.
Chỉ trong vòng 2 tháng, giá xăng dầu đã tăng lên gần 4 ngàn đồng/lít, khiến chi phí đầu tư cho chuyến biển của ngư dân cũng tăng. Tính bình quân, mỗi tàu công suất lớn, ra khơi đánh bắt 1 tháng phải tiêu tốn từ 10.000 đến 18.000 lít dầu, chi phí đội lên ít nhất cũng hơn 40 triệu đồng. Cùng với đó, thời điểm hiện nay việc khai thác thủy hải sản trên biển cũng gặp nhiều khó khăn do sản lượng đánh bắt đa phần là thủy hải sản có giá trị kinh tế thấp, thu nhập của ngư dân vì thế sụt giảm, chi phí duy tu, sửa chữa tàu thuyền lại tăng cao khiến việc khai thác chỉ nằm ở mức cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động.
Ngư dân Nguyễn Việt Em ở ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải cho biết: “Trong chuyến biển này, cặp cào đôi có tổng công suất trên 400CV của gia đình ông phải chịu khoản chi phí phát sinh trên 60 triệu đồng so với thời điểm tháng trước. Việc chi phí phát sinh chủ yếu là do các nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá, cao nhất là chi phí xăng dầu đội lên hơn 50 triệu đồng. Cùng với đó là chi phí về nhu yếu phẩm và rau, củ, quả hơn 3 triệu đồng; chi phí xét nghiệm Covid-19 từ 3 đến 4 triệu đồng và nhiều khoản chi phí khác cũng tăng lên theo mức giá thị trường. Giờ khó khăn lắm, chi phí đầu vào tăng cao như vậy thì đánh bắt cũng chỉ có lỗ. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều tàu cá phải nằm bờ…”, ông Em chia sẻ.
Gắn liền với thu nhập của chủ tàu cá là thuyền viên, bởi cùng với mức lương hợp đồng thì thu nhập chính của họ được chia từ lợi nhuận của chủ tàu. Theo ông Võ Minh Hiếu, tài công tàu cá ở thị trấn Gành Hào, trước đây mỗi chuyến biển ông thu nhập được từ 20 đến 30 triệu đồng/chuyến, nay con số này chỉ còn được 13 triệu đồng.
Ghi nhận của chúng tôi tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải hiện nay có rất nhiều tàu cá neo bờ. Các ngư dân địa phương cho rằng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thương lái mua hải sản ở các cảng cá thưa dần.
Thống kê của Ban Quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tỉnh Bạc Liêu, ở thời điểm này trong tổng số hơn 500 tàu thuyền đánh bắt thủy sản của huyện Đông Hải có đến 30% phải tạm ngưng do đánh bắt thua lỗ hoặc không có lời. Do không có nguồn thu nhập nên các ngư dân vay vốn ngân hàng khó khăn càng chồng chất.
Còn tại cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu hơn 110 tàu thuyền thường xuyên tham gia đánh bắt thủy sản hiện nay có đến hàng chục tàu cá phải nằm bờ. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thương lái mua hải sản ở đây cũng thưa dần do sức mua bị sụt giảm. Thời điểm này, nhiều mặt hàng hải sản giá giảm từ 2 đến 3 lần so với đầu năm.
Mực tươi giá 80.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg), ghẹ 10.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg), tôm biển giá 20.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg). Giá giảm mạnh, đầu ra các mặt hàng biển tiêu thụ rất chậm.
Ông Phan Hoàng Em, chủ tàu lưới ghe ở khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu chia sẻ, giá thủy hải sản giảm bằng nửa giá lúc bình thường. Dầu thì lên giá, cả năm nay chi phí cho chuyến biển không ngừng đội lên, chỉ tính riêng tiền dầu không thôi đã 50 triệu đồng rồi, chưa tính các khoản chi phí khác nên đánh chuyến nào lỗ chuyến đó. Tàu càng chạy càng lỗ, ngư dân đang rất cần hỗ trợ để có thể vươn khơi.
Điều mong mỏi lớn nhất hiện nay của ngư dân Bạc Liêu là chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân khi tham gia khai thác, đánh bắt. Nhiều ngư dân kiến nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ về giá dầu để ngư dân đánh bắt thủy hải sản có thu nhập. Cùng với chi phí đầu vào tăng cao ngư dân cũng lo lắng bởi thời điểm hiện nay đang vào mùa mưa bão, nếu chuyến biển ra khơi không thuận lợi, tàu thuyền buộc phải quay vào bờ và như vậy các khoản chi phí đầu tư ban đầu như: Tiền dầu, tiền lương cho thuyền viên coi như mất trắng.
Tại cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu hơn 110 tàu thuyền thường xuyên tham gia đánh bắt thủy sản hiện nay có đến hàng chục tàu cá phải nằm bờ. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thương lái mua hải sản ở đây cũng thưa dần do sức mua bị sụt giảm. Thời điểm này, nhiều mặt hàng hải sản giá giảm từ 2 đến 3 lần so với đầu năm.