Kết thúc những ngày nghỉ lễ, cũng là lúc chúng ta bước vào cuộc chiến mới với dịch bệnh, nghĩ lại về những ngày nghỉ, bỗng thấy ngổn ngang nhiều nỗi lo ngại quá!
Không phải chờ đến khi xảy ra mà ngay từ trước kỳ nghỉ lễ, chúng ta đã hình dung được trên những con đường ra vào cửa ngõ Thủ đô sẽ tắc nhiều cây số vào buổi sáng đầu tiên của kỳ nghỉ và vào buổi chiều kết thúc kỳ nghỉ, tắc theo chiều ngược lại. Mùa xuân thì “biển người” ở chùa, mùa hạ thì “biển người” ở biển... Chuyện xảy ra nhiều năm nay, nhiều ngày lễ tết có chung một kịch bản. Và lần này, bất chấp Covid-19 đang lởn vởn, kịch bản vẫn diễn ra.
Có một thời gian dài kể từ sau năm 1975, ngày 30/4 chưa được nghỉ lễ, nghĩa là dịp này chỉ có một ngày nghỉ là Quốc tế lao động 1/5. Tôi nhớ những ngày 1/5 hồi bé, có mỗi một ngày nghỉ và mẹ tôi thường khâu vá quần áo cho các con vào ngày hôm ấy. Còn ngày Tết âm lịch thì thông thường cán bộ, công nhân tất tả đi làm đến tận ngày 29 Tết.
Rồi dần dần, xã hội khấm khá và văn minh lên, mỗi tuần được nghỉ 2 ngày, rồi ngày lễ rơi vào thứ Bảy Chủ nhật thì được nghỉ bù. Mỗi một năm các kỳ nghỉ lễ kéo dài ngày một nhiều hơn.
Những kỳ nghỉ lễ kéo dài trong năm là một trong những yếu tố góp phần kích cầu du lịch. Người ta coi du lịch là một chỉ dấu cho chất lượng cuộc sống. Nhưng trong khi chúng ta sống văn minh tới mức hễ có tiền có thời gian là đi du lịch thì cách chúng ta chấp nhận tắc đường nhiều cây số và chen chúc ở các điểm du lịch hết năm này qua năm khác lại cho thấy thực ra chúng ta đang tỏ ra văn minh một cách chưa đều. Đời sống càng hiện đại thì có vẻ như chúng ta càng quay lại (hoặc chưa gột hết) những cung cách ứng xử của thời xã hội chưa phát triển. Ví dụ như tính a dua, sự khoe mẽ hình thức, tâm lý đám đông và sự mê muội... Chúng ta đi du lịch theo kiểu mùa lúa chín Tây Bắc chỉ là điểm đến có tính phong trào, mây ở Tà Xùa chỉ là điểm check in, Pù Luông không phải nơi an dưỡng...
Newsfeed của tôi mấy hôm nay ngập tràn ảnh bãi biển, resort, khách sạn sang, sân nhà nông thôn, bố mẹ và đồng đất... Nghỉ lễ, người đi du lịch, người về quê với bố mẹ. Nhu cầu khoe ảnh du lịch sang chảnh với nhu cầu khoe ảnh hiếu thuận với mẹ cha tương đương nhau. Cũng tương đương với khoe váy áo và túi xách hàng hiệu. Và suy cho cùng, tắc đường vài cây số hay chen nhau ở điểm du lịch cũng chả bõ bèn gì so với những shoot hình khoe trên mạng xã hội. Thời buổi chỉ cần phục vụ cho sống ảo thì thế là đủ rồi. Quê nhà mỗi kỳ nghỉ lại tiếp tục bao dung chờ những dòng người ùn ùn từ thành phố đổ về, vài hôm, lại ùn ùn đi, cửa ngõ vào thành phố tắc nghẽn, hết lần này đến lần khác. Vượt qua được chỗ tắc hình như cũng là một hả hê, vì chẳng ai lấy đó làm việc phiền phức tới mức lần sau không lặp lại.
Trong bối cảnh Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng, ngành du lịch phải sự xoay xở để thích ứng, những ngày nghỉ dài là cơ hội cho việc kích cầu du lịch, đặc biệt là du lịch nội địa lên ngôi, mà lại càm ràm về việc đổ xô đi về quê hay đi du lịch e là không phải. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn thấy những hình ảnh khác, của một ngành du lịch phát triển, bền vững với mọi trạng thái xã hội. Một nền du lịch đã đi vào chiều sâu, thực chất hơn, không còn việc lựa chọn điểm đến theo kiểu phong trào và làm tour một cách hào nhoáng. Cũng như tâm thế xã hội trong ứng xử với những kỳ nghỉ đạt được tới nhu cầu hưởng thụ văn minh, vừa tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà không phải chen chúc, xô bồ. Nhất là trong tình hình những ngày này, dòng người ùn ùn trở về từ những nơi chen chúc đang tiềm ẩn một nguy cơ cực kỳ lớn cho virus dịch bệnh có cơ hội lây lan.
Chưa kể rằng trở về sau kỳ nghỉ, sau những hình ảnh “làm hàng” hào nhoáng trên mạng xã hội, rất có thể sẽ có không ít người “quên” chứng minh mình là người hiện đại văn minh bằng cách trốn khai báo y tế và coi việc chống dịch như là của ai đó. Cho nên, đi du lịch nhiều chưa chắc đã là chỉ dấu của một xã hội phát triển, bởi vì một trong những thước đo cho một con người hiện đại là ở ý thức cá nhân, trong trách nhiệm với cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh những ngày tới trong cả nước phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của những người vừa trở về sau kỳ nghỉ. Đại dịch Covid-19 là dịp chứng minh rất rõ không ai có thể chỉ khôn được một mình. Trốn tránh một trách nhiệm cá nhân có thể là hệ luỵ mà cả xã hội phải gánh, như nhiều trường hợp không chấp hành cách ly và khai báo y tế đúng qui định như vừa qua.
Kết thúc những ngày nghỉ lễ, cũng là lúc chúng ta bước vào cuộc chiến mới với dịch bệnh, nghĩ lại về những ngày nghỉ, bỗng thấy ngổn ngang nhiều nỗi lo ngại quá!