Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trở về thương lấy nhau thôi" được báo Đại Đoàn kết – chuyên đề Tinh hoa Việt tổ chức tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) vào tối 7/1/2016 với sự đồng hành của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Chương trình có sự góp mặt của nhạc sỹ Phú Quang, nhà thơ Hồng Thanh Quang; MC Nguyên Sơn; cùng các ca sỹ Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Tấn Minh, Ngọc Khang, Phạm Phương Thảo; Kasim Hoàng Vũ, Ploong Thiết và các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, Đinh Hoàng Xuân…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhạc sĩ Phú Quang,
nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong đêm thơ nhạc "Trở về thương lấy nhau thôi".
Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ bán vé sẽ được nhà tổ chức - Báo Đại Đoàn Kết hỗ trợ các hộ nghèo vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện; các em học sinh nghèo có thêm chiếc áo ấm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh khác trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới...
Tôi vẫn thường nghĩ rằng, chúng ta dẫu có mê mải rong chơi bao nhiêu trong cõi đời này đi chăng nữa, thì vĩnh viễn vẫn không thoát khỏi ý niệm muốn được quay về. Chấp chới năm xưa, nhạc sĩ Trần Tiến có viết trong bài “Mẹ tôi” một câu rất hoang hoải, “. Tuổi thơ như chiếc gối êm, để cho tuổi già úp mặt..”. Về ấu dại quệt mũi chờ ba cho trái ổi sẻ da căng bóng, về chờ mẹ cho con gà đất thổi te te mua ở chợ quê, về chờ anh dán cho con diều giấy, chờ em nhờ chà sạch đôi dép có quai bám nhoài bụi đường… Hay là giả như về để được nhìn lại ngón tay son một thời thiếu nữ mân mê lá xanh ngoài ngõ, chờ trăng lên vồi vội một hẹn hò. Về ngóng những thằng bạn tóc cháy khét, mồ hôi nhễ nhại đuổi bắt ban trưa… Tiếc thay, buồn bã nhất trong kiếp người là chúng ta không trở về được những ngày đã mất. Chỉ lẫm rẩm tháng mùa gợi nhớ, ngồi yên ắng mà tiêu xài những điều đã xa xăm, như cơn gió thoảng ngoài song cửa, như cơn mưa chiều bất chợt lây rây, như giọt sương óng ánh chầm chậm trở mình. Thấy đó mà mơ hồ đó, thấy đó mà không nắm bắt được đó, chỉ như miên man gợi nhớ rồi biến mất. Như khi thi sĩ Hồng Thanh Quang tiếc nuối, “Trở về thương lấy nhau thôi/ Một năm đời lại qua rồi còn đâu”.
1. Tôi không biết thi sĩ Phùng Quán năm xưa tự đọc thơ mình có sức hấp dẫn như thế nào, mặc trong quyển “Ba phút sự thật” có nhiều đoạn mà tài danh Phùng Quán hồi ức lại về những tháng ngày tươi đẹp ấy như say như ngây nao nao lòng người. Tôi chỉ biết rằng, nếu bạn được nghe thi sĩ Hồng Thanh Quang đọc thơ mình, bạn như được truyền nguồn năng lượng mà chỉ có thơ ca mới làm được điều đó. Thi sĩ Hồng Thanh Quang từng nói rằng, từ bài thơ đầu tiên anh in năm 1979 trải qua đằng đẵng hơn ba thập kỉ, anh nhận ra rằng những kí tự mà anh viết ra luôn hoá thành cơn cớ vận vào đời anh những trắc trở yêu thương, những đớn đau số phận, những ngã rẽ, hoặc những biến cố của đời mình. Hơn một lần Hồng Thanh Quang tin rằng những kí tự với hàm ý tốt đẹp sẽ cho người viết ra thêm nhiều vận khí. Nhưng tôi e rằng anh đã nhầm lẫn chi tiết này, bởi thi sĩ là người phải chấp nhận một số phận trời đày tuyệt không có lối thoát. Lại biết đâu đó, những câu thơ mà thi sĩ viết ra chính là được mượn lời mà thành của cõi vô hình nào đó, muốn nó hiện hữu trong cõi tạm này. Thơ như một sự cứu rỗi mà cá nhân trót may mắn hoặc bị ép buộc vận vào mình thì cho dù họ đã tìm trăm phương nghìn kế, thậm chí là cầu xin thứ tha cũng không thể thoát ra khỏi nó được. Nhiệm vụ của nhà thơ là cứ lang thang mải miết trong tháng ngày hư ảo đã trôi qua. Có khi là sự phụ rẫy, có lúc là sự bình yên, hoặc biết đâu là nuối tiếc đến khôn cùng. Hay chỉ là muốn gặp lại ai đó trong những mong manh hạnh ngộ, để nói một lời tạ ơn, một câu từ biệt.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang đắm chìm với cảm xúc trong bài thơ "Không đề mùa thu".
Trong đêm thơ nhạc “Trở về thương lấy nhau thôi”, khi thi sĩ Hồng Thanh Quang đọc bài thơ “Không đề mùa thu” với những câu “Thu mà, vẫn giống thời xưa/ Em tôi lụi cụi vào mưa cuối ngày/ Tóc không tơ nữa, vai gầy/ Bao nhiêu xa xót thổi đầy phương anh…”, tôi nghe thấy mà như mơ đắm những khuôn mặt tưởng đã ngủ quên trong ký ức lại hiển hiện quay về. Ấy không phải là sứ mệnh của thơ thì tôi không biết định nghĩa nào khác hợp lý hơn.Tôi tin rằng, vạn sự trên đời này không thoát khỏi một chữ duyên. Có duyên thì đến, có duyên thì đi, có duyên thì gặp gỡ, có duyên thì chia tay, có duyên thì hạnh phúc, có duyên thì bẽ bàng… Không khi nào cạn hay hết duyên cả, bởi vỡ vụn hay viên mãn gì cũng không thoát khỏi nội hàm của một chữ tưởng chừng đơn giản ấy. Anh Hồng Thanh Quang nói, có những ngẫu hứng tạo nên tình thân, đêm thơ nhạc cũng không nằm ngoài nhẽ ngẫu hứng ấy. Nhưng biết đâu, tất cả đã được sắp xếp ngay từ trong tiền kiếp. Bởi có ai tự dưng xa lạ mà lại được thấy nhau. Thật ra thì trong mắt của nhiều người thi sĩ Hồng Thanh Quang luôn là một người đủ đầy về mọi mặt, từ danh vọng cho đến vật chất, từ bằng hữu cho đến giai nhận, từ chuyện xa xăm hay chuyện hiện tại. Tuy nhiên, với những gì mà tôi biết về Hồng Thanh Quang, tôi hiểu rằng anh đã phải chịu đựng những cú đánh số phận đau đớn đến dường nào. Nhưng, Hồng Thanh Quang không có thói quen kêu than, không có thói quen chia sẻ những buồn tủi, hay thậm chí là sự uất ức cá nhân. Anh lẳng lặng chịu đựng nó. Cho dù tuyệt vọng đến mức nào đi chăng nữa, những câu chữ của Hồng Thanh Quang viết ra vẫn hướng người đọc đến một cảm xúc yêu thương không toan tính.
Nhạc sĩ Phú Quang đệm đàn cho người bạn thân
nhà thơ Hồng Thanh Quang trong đêm thơ nhạc "Trở về thương lấy nhau thôi".
2. Nhạc sĩ Phú Quang có một chung với Hồng Thanh Quang, đó chính là cả hai đều mang nét tài hoa rất Hà Nội, đó là một kiểu trí thức đầy lãng mạn tươi đẹp như tôi đã từng đọc thấy về những con người Hà Nội ở những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Họ có sự nhẹ nhàng của người mà dẫu mất đi tất cả vẫn giữ được nụ cười thoang thoảng như cơn gió mùa thu, vẫn có thể nói được những lời thiết tha như mùa đông cây bàng lá rụng, vẫn giữ được nét của sen mùa hạ, và cả sự trẻ trung của mùa xuân. Hồng Thanh Quang thành tri âm tri kỉ của Phú Quang hồi nào tôi không biết nữa, chỉ là tôi tin họ đích xác là những người bạn biết nâng niu nhau lúc xao xác, biết che chở nhau lúc bão giông, biết rủ rỉ cùng nhau những muộn phiền. Thậm chí, có khinh bạc cùng nhau trong một vận nạn. Vài lâu trước, tôi có đọc anh Hồng Thanh Quang trả lời trên một tờ báo về khởi thuỷ của tình bạn giữa anh và nhạc sĩ Phú Quang, “thực ra mọi sự tình cờ thôi. Anh Phú Quang viết ca khúc đầu tiên dựa trên thơ tôi khi cũng chưa biết gì nhiều về tôi. Và cũng mới chỉ biết dưới ánh sáng của những góc nhìn xã hội không hẳn đã bình thường. Đơn giản là khi đó, anh ấy tình cờ đọc được bài thơ Khúc mùa Thu của tôi đăng trên báo và thấy thích. Thế là anh ấy phổ nhạc luôn. Bài hát đó đã trở thành ca khúc định mệnh đối với tôi vì dường như đã tiên cảm trước tất cả những gì tôi sẽ phải gánh chịu trong tình yêu ít giống ai của mình”. Cũng thật lạ, hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua mà “Khúc mùa thu” mỗi khi vang lên đều khiến cho lòng tôi nhức nhối. Bởi có quá nhiều đau đớn hy sinh của không chỉ một người phụ nữ đã tụ lại trong bài hát này... Vì nếu thiếu những yếu tố này thì Phú Quang đã không thể phổ “Khúc mùa thu” da diết đến vậy, “Anh không muốn lạc em thêm lần nữa” nhớ thương đến vậy. Nếu Phú Quang không hiểu Hồng Thanh Quang thì làm sao Phú Quang có thể viết “Một mình” mê đắm đến thế. Cả một tập thơ đồ sộ “Nỗi buồn tốc ký” của Hồng Thanh Quang, để Phú Quang lọc ra những câu từ “Một mình sẽ một mình thôi/ Tìm câu ca cũ hát chơi một mình/ Một mình sẽ một mình thôi/ Khi buồn lại hết những lời xót xa/ Có phải biển không mà con sóng trào nỗi buồn rưng rưng bờ mi/ Có phải biển không mà tôi khóc/ Dã tràng ơi còn đâu cát mà se”. So sánh những tình khúc với nhau là điều thiển cận, nhưng quan điểm cá nhân tôi nghĩ rằng đây là bài hát mang lại nhiều cảm xúc hơn “Khúc mùa thu” rất nhiều. Bởi, tự trong sâu thẳm nhất của mỗi con người chính là nỗi cô đơn, nỗi cô đơn như thấy mình trong chiếc gương soi, nỗi cô đơn khi thấy một đốm đồi mồi trên da, nỗi cô đơn khi nhìn sợi tóc bạc, nỗi cô đơn như thấy một cũ xưa vô tình vừa ngang qua… Những nỗi cô đơn đó không thể nói cùng ai, cũng không biết phải nói cùng, cũng không có nhu cầu sang sớt cùng ai. Một nỗi cô đơn đầy đặc tính của con người.
Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn "phiêu" với những giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang.
3. Đồng Hới, Quảng Bình, Sun Spa Resort cái đêm ngày 7-1 mơn man gió, gió như nỗi niềm, gió như xa xăm, gió như từ miền miên viễn nào đó thổi về những khuôn miệng cười, những tiếng thở dài, những sự hân hoan, những cung bậc cảm xúc buồn vui lẫn lộn theo từng tiết tấu của mỗi bài hát, của mỗi âm điệu thơ ca gom góp mà thành một viên mãn cho “Trở về thương lấy nhau thôi”. Đó là sự thổi hồn của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khang, của ca sĩ Hồng Nhung, của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hay của một Tấn Minh nức nở trong “Lạc tới dòng sông” đã tạo nên một con đường đủ đầy cho thương nhớ trở về. “Lạc tới dòng sông” là một trong những ca khúc rất lạ của thi sĩ Hồng Thanh Quang với đặc tính nỗi buồn như một thói quen, với những khẩn cầu cho xa vắng năm nào, “Em bây giờ ở với người dưng/ Ta bây giờ ở với người thân/ Sao bỗng thấy lòng buồn đến vậy/ Hãy thứ lỗi cho ta kẻ phù du/ Hãy thứ lỗi cho ta đời lãng tử”. Suy cho cùng thì đời người như chớp mắt thôi. Vui được cứ vui, buồn được cứ buồn, khóc được cứ khóc, còn được thấy nhau, còn được ngồi với nhau đã là may mắn lắm rồi. “Trở về thương lấy nhau thôi” được hiện hữu cũng không nằm ngoài ý niệm ấy.
Cái đêm ngày 7-1 mơn man gió, gió như nỗi niềm, gió như xa xăm, gió như từ miền miên viễn nào đó thổi về những khuôn miệng cười, những tiếng thở dài, những sự hân hoan, những cung bậc cảm xúc buồn vui lẫn lộn theo từng tiết tấu của mỗi bài hát, của mỗi âm điệu thơ ca gom góp mà thành một viên mãn cho “Trở về thương lấy nhau thôi”. |
Các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trong đêm thơ nhạc "Trở về thương lấy nhau thôi":
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với ca khúc "Mẹ" của nhạc sĩ Phú Quang
phổ thơ Hồng Thanh Quang.
Ca sĩ Hồng Nhung với bài hát "Ru em từng ngón xuân nồng" của Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn cùng nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Ca sĩ Tấn Minh giãi bày tâm sự bằng một bài hát mới- một thử nghiệm mới
không chỉ bằng ca từ mà còn bằng cả giai điệu của chính
nhà thơ Hồng Thanh Quang qua bài hát “Trở lại dòng sông”.
Ca sĩ Thuỳ Vân với "Về lại phố xưa" của Phú Quang.
Nghệ sĩ cello Đinh Hoàng Xuân- người con của mảnh đất Quảng Bình.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc thơ về những người lính với lời nhắn nhủ
"đừng quên những người đã hy sinh".
Ca sĩ Phạm Phương Thảo: Trở về với quê hương, tình cảm chan chứa hơn.
Hát trước khán giả miền Trung như hát trước người thân của mình.
Ploong Thiết với Đôi mắt Pleiku.
Ca sĩ Ngọc Khang với ca khúc "Mẹ tôi".
Khán giả ngồi chật kín khán phòng.
Ngô Kinh Luân