Tháng 11/2019, ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Một năm trôi qua, thế giới vẫn đang “loay hoay” chống lại đại dịch, khi đã có hơn 56 triệu ca mắc, trong đó có 1,3 triệu ca tử vong.
Truyền thông Trung Quốc từng dẫn nguồn hồ sơ từ chính phủ nước này đưa tin, trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 17/11/2019 - là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi. Tuy nhiên, vài tuần sau đó (8/12), chính phủ Trung Quốc mới chính thức công bố dịch bệnh.
Dịch bệnh sau đó lây lan nhanh không chỉ bên trong Trung Quốc mà vượt tầm kiểm soát ra nhiều quốc gia. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19. Ngày 11/3, WHO chính thức công bố Covid-19 là 1 đại dịch.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy một đại dịch gây ra bởi một chủng của virus corona, và đây là đại dịch đầu tiên của virus này”.
Đến tháng 4/2020, gần 1/3 thế giới chịu ảnh hưởng bởi các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Người dân được yêu cầu hạn chế đi lại, tiếp xúc gần, hàng loạt hoạt động tập trung đông người, giao thông công cộng bị đình trệ, ngành du lịch bị “đóng băng”.
Dịch bệnh từng đạt đỉnh lần 1, quay đầu chuyển biến tích cực hơn, nhiều quốc gia đã cố gắng mở cửa trở lại nên kinh tế và người dân phải sống trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, một lần nữa làn sóng dịch bệnh thứ 2 lại bùng phát. Các lệnh phong tỏa một lần nữa được áp đặt từ tháng 9 ở Israel, sau đó là Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Italy, và thành phố New York, Mỹ.
Thực tế, đại dịch vẫn lan rộng chưa thể kiểm soát. Hàng trăm đơn vị dược đã chạy đua để nghiên cứu phát triển một loại vaccine có thể giúp nhân loại chống lại dịch bệnh chết người. Quá trình phát triển vaccine Covid-19 trên khắp thế giới xô đổ nhiều kỷ lục về thời gian và chi phí của các loại vaccine khác.
Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine Covid-19 với tên Sputnik V. Mới đây, sau Pfizer, một nhà sản xuất thuốc khác của Mỹ, Moderna, cho biết ứng cử viên vaccine của họ hiệu quả lên tới 94,5%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 150 vaccine Covid-19 hiện được phát triển, với khoảng 44 ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng và 11 loại đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi những bước tiến nhanh chóng trong công tác nghiên cứu và điều chế vaccine ngừa Covid-19: “Tầm quan trọng của vaccine trong kiểm soát đại dịch là điều không thể nghi ngờ.
Chưa bao giờ trong lịch sử, việc nghiên cứu vaccine lại tiến triển nhanh như vậy. Chúng ta phải hành động khẩn cấp và phải đối mới để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi từ thành tựu khoa học này”.
Một năm trôi qua, Covid-19 hoàn toàn thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế. Trong khi đó, tương lai của đại dịch vẫn còn chưa rõ ràng.