Trong gần hai năm qua, dịch Covid-19 đã có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch đến nay, Agribank là một trong những ngân hàng lớn luôn chủ động và tích cực trong các hoạt động hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn ổn định và phát triển sản xuất. Trong đại dịch, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò “huyết mạch” trong phát triển tam nông và nền kinh tế đất nước bằng những chương trình tín dụng ưu đãi, những chính sách miễn giảm lãi, miễn giảm phí dành cho khách hàng, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Agribank triển khai sâu rộng các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng
Trước những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước, Agribank đã chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021. Agribank đồng thời triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng tài chính theo chỉ đạo của Thống đốc ngân hàng Nhà nước.
Agribank tích cực nỗ lực cùng ngành Ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân. Trong giai đoạn khó khăn, phải khẳng định rằng, nguồn vốn ưu đãi luôn là động lực lớn để nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Agribank là đơn vị đi đầu, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu đề ra.
Trong nhiều năm qua, việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn cho vay thông thường, và đặc biệt với tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn duy trì ở mức 70% như hiện nay, ước tính mỗi năm Agribank phải giảm thu khoảng 3000 - 4000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Đến nay, Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững cho các huyện nghèo theo nghị quyết 30a/NQ-CP và thông tư số 06/2009/TT-NHNN với doanh số cho vay là trên 13.000 tỷ đồng, cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ với doanh số cho vay trên 15.000 tỷ đồng, cho vay tái canh cà phê với doanh số trên 1.300 tỷ đồng… Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay gần 9.000 xã với doanh số là 2.862.225 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.824.047 tỷ đồng, với 2.485.150 khách hàng.
Agribank triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất đối với các đối tượng khách hàng: doanh nhiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng lớn, khách hàng vay tiêu dùng… Tính đến 20/6/2021, tại Agribank, dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 161.422 tỷ đồng; Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gốc, lãi) với dư nợ 26.376 tỷ đồng cho gần 11 ngàn khách hàng; thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm với dư nợ 3.733 tỷ đồng cho gần 1.500 khách hàng; cho vay mới với doanh số hơn 203 ngàn tỷ đồng cho hơn 50 ngàn khách hàng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Agribank đã 5 lần liên tiếp giảm lãi suất cho vay, thể hiện vai trò tiên phong, quyết liệt của Agribank trong việc chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”: đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Trong lần thứ 5 giảm lãi suất cho vay, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi). Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại cho khách hàng
Dịch bệnh Covid vẫn có những diễn biến phức tạp và việc Agribank đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại, dịch vụ thẻ tới khách hàng là điều cần thiết bởi đây là giải pháp an toàn và thuận tiện trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, Agribank tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các đơn vị thuộc các ngành lĩnh vực tại các địa phương như điện lực, viễn thông, bảo hiểm, giáo dục, y tế, quân đội, công an... để đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Agribank không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp trong tác phong phục vụ, đổi mới quy trình, thủ tục nhanh gọn để tiết giảm thời gian, chi phí giao dịch cho khách hàng.
Mới đây, Agribank đã đồng loạt triển khai trên toàn hệ thống chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước áp dụng trên kênh ngân hàng điện tử và tại quầy giao dịch của Agribank mà không kèm theo bất kì điều kiện nào. Agribank miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Agribank đối với khách hàng cá nhân; miễn phí chuyển tiền trong hệ thống và giảm phí cực lớn chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank đối với khách hàng tổ chức. Sau hơn 1 tháng triển khai (từ 17/5/2021), chính sách miễn phí chuyển khoản Agribank đã được khách hàng và chi nhánh đánh giá cao. Bình quân/ngày số món giao dịch tăng 6%, doanh số giao dịch tăng 22%, số lượng khách hàng đăng ký mới dịch vụ Agribank E-mobile Banking tăng 33% so với thời điểm chưa áp dụng chính sách.
Agribank đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng hiện đại cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối. Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Agribank đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn từ tháng 9/2019 với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng thanh toán chi phí tiêu dùng thiết yếu, nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp. Với thủ tục đơn giản, linh hoạt, đến 30/6/2021, hạn mức thấu chi đã cấp trên 2 nghìn tỷ đồng với tổng dư nợ thấu chi tài khoản đạt 425 tỷ đồng, số lượng POS lắp đặt là trên 2.861 thiết bị và số lượng thẻ phát hành là trên 315 nghìn thẻ.
Với nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng: từ các chương trình tín dụng ưu đãi, miễn giảm phí dịch vụ ngân hàng điện tử, triển khai sâu rộng đề án thẻ nông nghiệp nông thôn… Agribank đã tích cực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, khơi thông dòng vốn tín dụng khẳng định vai trò “huyết mạch” trong phát triển tam nông và nền kinh tế đất nước.