Trong các sách tâm lý học, triết học thực hành, triết học ứng dụng, sách dạy làm người, sách học làm người có một khái niệm gây nhiều tranh cãi, đó là: “Những người sống quanh ta” được đặt vấn đề như thế nào cho gọn nhất, được gọi thế nào cho chung nhất để không thừa không thiếu một ai. May mắn thay, nhà văn vĩ đại người Pháp, ông Victor Hugo (1802 - 1885) đã giải đáp được cho các tác giả viết sách thắc mắc đó.
Victor Hugo là nhà đạo đức lớn, là nhà văn viết về gia đình hay nhất, là người duy nhất được đặt tên phố ở Paris lúc ông còn sống (năm 1882). Đề xuất tài tình mà Hugo trả lời câu hỏi của các nhà báo Mỹ khi hỏi ý kiến ông về “Những người sống quanh ta” là: “Trong gia đình, ngoài xã hội”. Nếu ta bám sát, khai thác triệt để 6 từ này sẽ nói lên được thân phận của tất cả mọi người trong xã hội.
Trước hết phải đề cao vai trò của gia đình. Đã có định nghĩa: “Gia đình là tế bào của xã hội”, tức là từng tế bào có khỏe, có mạnh thì xã hội mới lành mạnh được. Các tế bào mà hư hoại thì xã hội sẽ yếu kém. Victor Hugo đã nghiêm khắc cảnh báo: “Cái học thuyết xã hội nào tìm cách phá hủy gia đình là bất lương và hơn nữa là không thể áp dụng được. Gia đình chính là yếu tố quý báu của xã hội”. Câu danh ngôn này của Victor Hugo tôi đã nhìn thấy và ghi chép lại từ Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.
Cách giảng giải như sau: Khi một cậu bé chào đời là đã có một gia đình đương nhiên, gồm cha, mẹ và con. Đó là gia đình lõi, gia đình hạt giống. Con không có quyền chọn lựa cha mẹ và việc nuôi con khôn lớn là nghĩa vụ và bổn phận của cha mẹ. Nếu ai nhận thức không đầy đủ khái niệm này sẽ trở nên bất nhân bất nghĩa với cha, với mẹ. Hoặc cha mẹ không biết nuôi dạy con cái thành người tốt để đóng góp xây dựng xã hội ngày càng phồn vinh hạnh phúc là cha mẹ thiếu trách nhiệm.
Triết gia người Mỹ, ông Thomas Jefferson (1743 - 1828) đã hết sức ca ngợi và nhớ nhung thời gian được sống trong gia đình khi ông viết: “Những lúc sung sướng nhất của đời tôi thật là ngắn ngủi. Đó là những giây phút thần tiên mà tôi được sống giữa tổ ấm gia đình”. Đọc những lời thiết tha, đầy xúc động này của Jefferson, liệu những người con hư hỏng, muốn đi bụi đời hoặc những người chồng, người vợ sắp ký vào đơn ly hôn có tỉnh ngộ được phần nào chăng?
Theo thống kê mới nhất của một số tổ chức xã hội phi chính phủ và của cả các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc thì số gia đình tan vỡ dưới 30 tuổi, dưới 40 tuổi ngày càng gia tăng trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Đây là vấn đề đáng báo động cho xã hội. Như thế sẽ có bao nhiêu đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, có bao nhiêu đứa trẻ bụi đời, có bao nhiêu bà mẹ đơn thân cô độc, cô quả, có bao nhiêu người đàn ông sống bừa bãi không biết đến ngày mai sẽ xuất hiện? Đó là nguy cơ cho xã hội trong tương lai.
Vì những lẽ trên, mỗi con người dù ở độ tuổi nào cũng phải cố gắng hy sinh, nhẫn nại, chịu thiệt thòi để cố giữ bằng được cấu trúc gia đình. Gia đình là bến đỗ an toàn nhất cho mọi người. Ngạn ngữ cổ của người Mỹ đã dạy: “Dù Đông dù Tây, gia đình vẫn là nhất”. Ngạn ngữ Việt Nam cũng nói: “Lá rụng về cội”. Đã là con người ai cũng mong có được gia đình êm ấm, bền vững mới thực sự được coi là an toàn, là hạnh phúc bền vững.
Triết gia lừng danh J.Howard Payne (1791 - 1852) đã từng nhắc nhở động viên mỗi con người có mặt trong xã hội rằng: “Dù nó có tồi tàn đi chăng nữa thì cũng chẳng nơi nào có thể sánh với gia đình”. Ý tứ này của Payne cũng tương tự như câu ca dao của Việt Nam: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Cảm động thay những tấm gương “lá lành đùm lá rách” trên các chương trình vượt khó, thoát nghèo mà các kênh sóng truyền hình vẫn nêu gương mỗi ngày.
Chắc chắn rằng khi được xem những chương trình người thật việc thật này trên các bản tin hàng ngày, nhiều con người đã tỉnh ngộ, nhiều con người sắp sa ngã sẽ suy nghĩ lại về những việc làm không tốt của mình. Mãi mãi biết ơn các biên tập viên, phóng viên và những người tổ chức thực hiện các chương trình về giáo dục gia đình, giáo dục giới tính, tuổi cao gương sáng... đã góp phần xây dựng cho xã hội nhiều tấm gương kiên trì, phấn đấu để giữ vững gia đình, giữ vững tổ ấm cho con người.
Trong tác phẩm kinh điển “Anna Karénina” đại văn hào Nga, ông Léon Tolstoi đã viết: “Những gia đình sung sướng đều giống nhau cả. Còn những gia đình khốn khổ thì mỗi nhà khốn khổ một cách khác nhau”. Cảm ơn Tolstoi vì ông đã cảnh báo cho con người bài học là “phải cố gắng giữ lấy gia đình hạnh phúc”, vì nếu chẳng may để cho gia đình khốn khổ, bất hạnh thì thật là một thảm họa khôn lường.
Triết gia Lamennais (1782 - 1854) đã phân tích, mổ xẻ rất chi tiết về giá trị của một gia đình như sau: “Nếu ở trên đời có những cái vui chân chính, có cái hạnh phúc thật sự thì những cái vui ấy, cái hạnh phúc ấy nằm trong lòng một gia đình. Cái gia đình ấy phải có một trật tự mà trách nhiệm của từng người phải được phân công rõ ràng”.
Nhờ Lamennais mà ta hiểu rõ thêm những niềm vui chân chính, những hạnh phúc thật sự phải do chính từng thành viên của một gia đình phấn đấu, cố gắng vượt mọi khó khăn để đóng góp vào. Như thế quyền lợi và trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình phải được nêu rõ, được phân công chẳng khác gì công việc ở ngoài đời, ngoài xã hội thì mới thật sự có một gia đình trong ấm ngoài êm.
Đến đây, tạm khép lại vế thứ nhất của tên bài viết là để chuyển sang phần thứ hai, phức tạp hơn nhiều, khó khăn hơn nhiều mà mỗi con người đều phải phấn đấu trải qua, đó là “ngoài đời, ngoài xã hội”.
Ranh giới cơ học giữa “trong gia đình” và “ngoài xã hội” chính là cái cửa ra vào của từng căn hộ trong khu tập thể, là cái cổng nhà trong các khu phố, trong các làng, xóm.
“Đóng cửa bảo nhau” là khôn ngoan nhất, nghĩa là việc gì giải quyết được trong nhà, trong họ tộc thì nên mỗi người nhịn nhau một chút mà thỏa thuận được là đẹp nhất. Nếu không tự giải quyết được thì sẽ bung ra khỏi cửa, khỏi cổng mà ra đến ngõ, ra đến phố, ra đến phường thì câu chuyện đã tăng lên sự phức tạp, sự khó khăn, không còn giải quyết “nội bộ” được nữa. Lúc đó nhẹ thì chính quyền sở tại can thiệp, nặng thì phải cần đến pháp luật, đến tòa án can thiệp, như thế là đã sa lầy, đã dại dột rồi đấy.
Bố mẹ dạy bảo con cái là hơn. Nếu để cho ngoài đời, ngoài xã hội dạy bảo thì sợ rằng không còn được nương tay, không còn được thông cảm, không còn được chiếu cố nữa. Lúc đó là “thẳng thừng”, là “cưa đứt đục suốt” có phải là dại, là tổn thương nghiêm trọng không. Thành ra, khái niệm “trong nhà, ngoài ngõ” phải luôn được nhắc nhở, được chú ý mà ứng xử hàng ngày mới tránh được mọi chuyện thị phi.
Vậy “ngoài xã hội” được hiểu như thế nào?
Triết gia La Cordaire (1802 - 1862) định nghĩa về xã hội rất đơn giản: “Xã hội chẳng qua là sự mở rộng của gia đình. Người ở trong gia đình mà hư hỏng thì xã hội cũng chẳng ra gì”.
Có tác giả người Mỹ lại định nghĩa về xã hội mang tính toàn cầu và khoa học hơn: “Xã hội là hình thức sinh hoạt chung của con người ở một trình độ phát triển nhất định của lịch sử” hoặc “Xã hội là đông đảo những người sống cùng một thời”.
Như thế “ngoài xã hội” rất rộng, rất sâu, rất phong phú để đề cập đến. Chỉ có thể nêu lên được những điểm cơ bản của xã hội mà thôi.
Thi sĩ lãng mạn Pháp, ông Nicolas Boileau (1636 - 1711) đã nói một cách mơ màng: “Ta sinh ra trong gia đình, ta sống ngoài xã hội”. Qua cái ý lãng mạn bay bổng đó Boileau đã giúp ta có được một sự thích thú để tìm tòi cái hay, cái mới, cái đẹp, cái cao thượng ở bên ngoài xã hội. Cái ý nghĩ lạc quan bay bổng này cũng trùng với ý tưởng của triết gia hiện đại George Duhamel khi ông viết: “Sự thật đang xảy ra ngoài xã hội là những nguồn tài liệu tham khảo bất tận của chúng ta”.
Khi con người văn minh đã cùng tự nguyện sống trong một xã hội thì phải tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy chế, mọi quy định mà xã hội đã đề ra. Tất cả phải nhằm một mục đích là “Phục vụ cho quyền lợi chính đáng của đa số con người trong xã hội đó”.
Tác giả Henric Ibsen đã đặt ra một nội quy nghiêm khắc: “Xã hội cũng như một con tàu, mọi người đều phải đồng tâm, hiệp lực hướng theo chiều của bánh lái”. Chiều của bánh lái sẽ đưa con tàu thẳng tiến ra biển khơi để đến được bến bờ hạnh phúc. Ai khôn ngoan thì đóng góp cho con tầu tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa, vì khi tàu cập bến cá nhân ta cũng được hưởng quyền lợi lúc đó.
Để tóm tắt lại nội dung quá rộng của cụm từ “ngoài xã hội” không gì khác là nhắc lại những nguyên tắc chính, những đạo lý chủ đạo, những phương thức suy nghĩ và hành động chủ yếu do triết gia G.E.Lessing (1729 - 1781) đã đề xuất như sau: “Đức chính trực và công bằng tạo ra sự an toàn cho xã hội, lòng nhân từ và thiện nguyện tạo ích lợi cho xã hội, sự nhu thuận và nhường nhịn tạo sự vui vẻ cho xã hội”. Viết lại thành công thức cho dễ nhớ, dễ hiểu như sau:
Chính trực + Công bằng = An toàn
Nhân từ + Thiện nguyện = Lợi ích
Nhu thuận + Nhường nhịn = Vui vẻ
Công thức này của Lessing chẳng những dễ áp dụng để xây dựng một xã hội tốt đẹp mà đó cũng là những đức tính cần thiết cho mỗi cá nhân để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Công thức này tài tình và cô đọng ở chỗ chỉ nêu lên những đức tính mà con người có thể học hỏi, có thể luyện tập mà có được chứ không phải cái gì đao to búa lớn hay khó hiểu, khó thực hiện.
Xếp theo thứ tự lời dạy của Lessing cho thấy rõ: “Trong gia đình, ngoài xã hội” phải có an toàn trước đã. Có an toàn mới có cơ hội để cống hiến, để đóng góp cho lợi ích xã hội. Có an toàn, có lợi ích rồi thì cả gia đình và xã hội mới thực sự vui vẻ được. Những chỉ dẫn của các bậc tiền nhân đã giúp chúng ta có những công thức sống ngắn gọn, những điều cốt yếu của đạo lý làm người có ý nghĩa và giá trị đến mãi mãi.