Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đãtổ chức Diễn đàn bàn về giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Mục tiêu và giải pháp đặt ra trong diễn đàn lần này là đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì và ổn định ở mức 50.000ha, trong đó chủ lực tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chiếm đến 81% (41.500ha).
Diện tích hồ tiêu nhiều năm qua có xu hướng tăng ồ ạt
Những năm qua, diện tích hồ tiêu cả nước tăng mạnh với tổng diện tích gần 86.000ha, trong đó vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có hơn 78.000ha (chiếm 91,39%). Năm 2014, sản lượng hồ tiêu cả nước đạt 152.000 tấn, trong đó các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chiếm 95% sản lượng tiêu của cả nước. Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do lợi nhuận từ việc trồng tiêu mang lại cao nên nông dân ở các địa phương tự phát mở rộng diện tích tăng ồ ạt, trong khi đó kỹ năng trồng và chăm sóc không đúng quy trình nên trong thời gian gần đây một số diện tích trồng tiêu bị sâu bệnh cho năng suất thấp, thậm chí ở một số nơi có nhiều diện tích bị mất trắng do bệnh gây hại.
Vì vậy, tại hội thảo, nhiều giải pháp quan trọng mà các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên cần kiên quyết thực hiện nghiêm túc thực hiện đã được đưa ra. Theo đó, các tỉnh khẩn trương rà soát lại công tác quy hoạch sản xuất hồ tiêu trên địa bàn, xác định vùng trồng và có kế hoạch vận động nông dân từng bước giảm diện tích ở những vùng ít thích hợp và không thích hợp với cây hồ tiêu; hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến nhằm tiến tới sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu.
Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, có biện pháp phòng ngừa dịch hại phát sinh, phát triển toàn vùng, không để dịch bệnh gây hại trên diện rộng. Đồng thời phải tiến hành nghiên cứu có hệ thống và đồng bộ các giải pháp từ khâu chọn tạo giống, quy trình canh tác, quy trình thực hành sản xuất tốt GAP và sơ chế, bảo quản.
Các địa phương cũng cần xây dựng và thực hiện chương trình khuyến nông trên các mặt sản xuất an toàn, thiết kế vườn, thoát thuỷ, bón phân, tỉa cành tạo tán; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến tận hộ nông dân... Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.