Được bao tiêu sản phẩm đầu ra và giá thành cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg, nhiều hộ dân tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã chuyển sang trồng lúa hữu cơ bởi thu nhập tăng hơn gấp hai lần so với trồng theo cách truyền thống.
Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Phú đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa mùa trong năm. Ông Ngô Văn Phổ, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, có 1 ha đất trồng lúa hữu cơ được công ty bao tiêu sản phẩm trong 3 năm qua. Vụ mùa năm nay, 1 ha lúa hữu cơ của ông Phổ vừa thu hoạch đạt năng suất khoảng 4,5 tấn, giá thu mua hơn 8.500 đồng/kg.
Trồng lúa hữu cơ chi phí đầu tư giảm gần 50% so với trước đây lại không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên sau vụ lúa ông chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Con tôm cũng cho năng suất cao, phát triển tốt do không ảnh hưởng dư lượng thuốc khi trồng lúa. Trong quá trình sản xuất lúa, công ty cung ứng giống, phân bón hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quy trình cho đến khi thu hoạch. Do đó, người dân học hỏi được rất nhiều - ông Phổ chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thơ, xã An Nhơn cho biết, trước đây, lúa tới thời kỳ thu hoạch phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, luôn bị ép giá. Giờ liên kết được với công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm nên người dân an tâm hơn. Đây là năm đầu tiên cô Thơ ký kết với công ty thu mua cho hơn 1,5 ha có giá 8.500 đồng/kg - cao hơn lúa thường 2.500 đồng/kg.
Năm 2019, huyện Thạnh Phú có hơn 6.000 ha lúa, tập trung tại các xã An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An... Hiện huyện đã thu hoạch hơn 50% diện tích lúa mùa với năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn/ha. Từ năm 2016, khi nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, ý thức sản xuất lúa của người dân được nâng lên. Các mô hình trồng lúa sạch, lúa hữu cơ… được nhân rộng ra các xã trong toàn huyện.
Theo ông Lê Văn Tài - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Phú, sau 3 năm, diện tích lúa hữu cơ từ 60 ha tăng lên 300 ha. Tất cả sản phẩm lúa hữu cơ được các công ty bao tiêu đầu ra với giá cao hơn lúa thường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Lúa hữu cơ Thạnh Phú đã có chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, được xuất khẩu qua các thị trường trên.
Mặt khác, rơm (phụ phẩm sau thu hoạch lúa) cũng được công ty thu mua với giá khá cao, 35.000 đồng/cục (khoảng 15kg) để làm nguyên liệu trồng nấm rơm hữu cơ. Theo ông Tài, địa phương dần thay đổi được tập quán sản xuất của người dân. Người dân chuộng sản xuất hữu cơ vì sản phẩm gạo ngon hơn, an toàn cho người sử dụng.
Thời gian tới, huyện Thạnh Phú khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn lúa sạch; đặc biệt, nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ ra toàn huyện; đồng thời, tổ chức liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất cây lúa trên địa bàn.