Sau hơn 4 năm nghiên cứu, tháng 5/2017, anh Vũ Ngọc Thành (35 tuổi) công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư 250 triệu đồng trồng thử mô hình nấm đông trùng hạ thảo tại TP Hạ Long. Đến nay, thương hiệu nấm do anh Thành sản xuất đang hướng tới mục tiêu sẽ xây dựng thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Sau 4 năm nghiên cứu, anh Vũ Ngọc Thành đã đầu tư 250 triệu đồng để trồng thí điểm mô hình nấm đông trùng hạ thảo.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại tầng 2 ngôi nhà của gia đình, anh Thành chia sẻ: Công tác tại trường y nên tôi thấy một số căn bệnh tây y chưa thể chữa trị, trong khi đó đông y lại có nhiều dược liệu quý hiếm có thể giúp người bệnh duy trì sức khỏe và chữa được nhiều bệnh. Đặc biệt, nấm đông trùng hạ thảo được coi là dược vương có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe... Vì vậy, tôi đã bắt tay vào nghiên cứu trồng thử nghiệm mô hình này. Từ ý tưởng ban đầu đến lúc thực hiện mất hơn 4 năm, vì khá mất thời gian nghiên cứu, tìm giống và ứng dụng quy trình trồng nấm đông trùng hạ thảo...
Theo anh Thành, quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo rất khó, phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều khâu khác nhau. Trước hết phải chuẩn bị hệ thống lọc khí nhiệt độ và giá thể hấp tiệt trùng, cấy giống sau đó đưa giá thể vào buồng tối trong vòng 7 ngày. Giá thể để nuôi cây nấm có thể tận dụng sản phẩm như: Gạo lứt, khoai tây, giá đỗ, bột nhộng tằm và có bổ sung một số vi lượng thiết yếu hoặc ký sinh vào sâu non (nhộng tằm). Sau 7 ngày đưa vào phòng tiêu chuẩn đảm bảo nhiệt độ 19 độ C, độ ẩm 80-85%, theo dõi nấm phát triển cho thu hoạch từ 65-70 ngày.
Nấm đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong giá thể thích nghi phát triển tốt ở nhiệt độ 19 độ C, độ ẩm 80-85%.
Quy trình áp dụng là vậy, nhưng những mẻ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên do anh Thành trồng đã gặp thất bại. Do ít kinh nghiệm nên các mẫu thử đều bị nhiễm bệnh và chết. Thấy khó quá, những người thân trong gia đình đã khuyên anh từ bỏ mô hình này. Nhưng vì niềm đam mê và quyết tâm không nản, anh đã theo đuổi trồng nấm đông trùng hạ thảo đến cùng. Sau vài đợt trồng thất bại mãi đến tháng 5/2017, nấm đông trùng hạ thảo mới đâm chồi, sinh trưởng và cho thu hoạch thành phẩm. Tận mắt nhìn những chồi nấm đầu tiên mọc cây, anh mới tin bước đầu mô hình thành công.
Sau khi làm chủ công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, để gây dựng thương hiệu, anh Thành đem sản phẩm lên tận Trung tâm Kiểm nghiệm Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam phân tích và rút kinh nghiệm, điều chỉnh quy trình để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, cơ sở đông trùng hạ thảo Bảo Khang của anh có thể sản xuất đạt sản lượng từ 100-120kg/năm cung cấp cho ra thị trường. Đặc biệt, hiện cơ sở của anh đang đăng ký 4 sản phẩm, gồm: Đông trùng hạ thảo tươi, sợi khô, dạng bột và rượu đông trùng hạ thảo để xây dựng thương hiệu OCOP địa phương; giá bán bình quân đông trùng hạ thảo dạng tươi 300.000 đồng/gam; dạng khô 500.000 đồng/hộp (10 gam) và dạng bột 300.000 đồng/hộp (100 gam). Trừ mọi chi phí sản xuất trung bình mỗi tháng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo cho thu nhập 15 triệu đồng.
Từ lúc trồng nấm đông trùng hạ thảo đến lúc thu hoạch mất khoảng 65-70 ngày.
Dự kiến sắp tới, cơ sở sản xuất nấm của anh Thành sẽ phát triển 4 sản phẩm đông trùng hạ thảo, gồm: Dạng tươi, sợi khô, dạng bột và rượu thành sản phẩm OCOP địa phương. Đồng thời hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm sản phẩm dạng túi trà đông trùng hạ thảo.
Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm có tên khoa học là Cordyceps Militaris hoặc Cordyceps Sinenis với ấu trùng của một loài côn trùng vào mùa đông, nấm Cordyceps Militaris hoặc Cordyceps Sinenis ký sinh vào sâu non, ăn hết chất dinh dưỡng và làm chết sâu non. Đến mùa hạ, nấm bắt đầu mọc lên, và trồi lên mặt đất. Chính vì mùa đông là trùng, mùa hạ là thảo mà cái tên đông trùng hạ thảo đã được hình thành.