Bảo vệ môi trường hệ sinh thái, đa dạng sinh học, giảm nguy cơ cháy rừng… là hiệu quả bước đầu mà trồng rừng chứng chỉ FSC mang lại cho tỉnh Thái Nguyên những năm qua.
Toàn huyện Võ Nhai hiện có gần 59.000 ha rừng, chiếm khoảng 72% diện tích đất tự nhiên và tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 70%. Trong đó, diện tích rừng trồng đã thành rừng là khoảng 21.000 ha, thuộc 14 xã, 1 thị trấn. Từ tháng 12/2022, huyện Võ Nhai đã khởi động Chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho các hộ, nhóm hộ trên địa bàn.
Theo ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, huyện xác định với tiềm năng thế mạnh về rừng, việc được cấp chứng chỉ FSC là yếu tố quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng. Rừng FSC là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của huyện Võ Nhai nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung trên thị trường quốc tế.
Trước năm 2015, người dân xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ còn khá mơ hồ về khái niệm rừng FSC. Nhưng đến nay, nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, người dân đã nhận thấy rõ lợi ích rừng FSC đem lại và tích cực tham gia.
Ông Hoàng Văn Trung, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ chia sẻ, tham gia chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC mang lại nhiều lợi ích. Ngoài việc được hướng dẫn chăm sóc và trồng rừng thì việc gia tăng thời gian trồng rừng để cây gỗ lớn hơn sẽ đem hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
"Chứng chỉ rừng FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý Rừng còn là yếu tố đảm bảo để gỗ rừng trồng của bà con xuất khẩu đi nước ngoài", ông Trung cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ thông tin, với sự tuyên truyền, hướng dẫn của cơ quan chức năng về lợi ích bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế rừng mang lại về lâu dài, đặc biệt là lợi ích từ việc phòng chống cháy rừng hiệu quả, bảo vệ sinh thái, nguồn lợi từ rừng, người dân mới yên tâm tích cực tham gia. Năm 2024, diện tích rừng được đưa vào đánh giá để cấp chứng chỉ là trên 2.000 ha. Toàn huyện hiện có 851 hộ dân tham gia với diện tích 2.224 ha rừng FSC, đạt 741% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2024, toàn tỉnh trồng mới 4.371 ha rừng tập trung; trồng hơn 1,4 triệu cây phân tán. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng tăng nhanh hàng năm nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập từ rừng mang lại chưa cao. Để khắc phục tồn tại này, tỉnh và ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC nhằm hỗ trợ cho người trồng rừng có phương án kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại thu nhập cao hơn, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.
Nội dung này cũng đã được đưa vào nghị quyết, các chương trình hành động, được xác định là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng thực tế việc cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng rừng hiện có.
Năm 2024, toàn tỉnh cấp chứng chỉ rừng FSC cho 9.143 ha rừng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp được chứng chỉ rừng FSC cho 11.367 ha rừng, đạt 811,9% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Hiện có hơn 6.200 hộ tham gia, tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lương (hơn 3.650 hộ), tiếp đến là các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai có 726 hộ với 2.460 ha. Các địa phương vẫn tiếp tục triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và mở rộng diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC.
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Thái Nguyên cho biết, việc thực hiện quản lý rừng bền vững với các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của tổ chức cấp chứng chỉ FSC sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, qua đó bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu xã hội và kinh tế.
Với nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ về chống phá rừng và suy thoái rừng (EUDR, Đạo luật Lacey,...), đòi hỏi ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc gỗ của các công ty chế biến gỗ xuất khẩu, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng có cơ hội tiếp cận, được các đơn vị chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu ra thị trường quốc tế, có thương hiệu, uy tín cao thu mua.
Lợi ích về việc trồng rừng chứng chỉ FSC khá rõ ràng nhưng việc phát triển diện tích rừng quản lý theo tiêu chuẩn FSC gặp rất nhiều khó khăn. Với phần lớn diện tích rừng trồng sản xuất hiện nay thuộc đối tượng quản lý chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân với quy mô nhỏ, phân bố không tập trung gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ, sản xuất và quản lý rừng theo các tiêu chuẩn, nguyên tắc của chứng chỉ rừng quốc tế.
Với điều kiện kinh tế suy thoái toàn cầu, thị trường biến động mạnh nên giá cả có biên độ chênh lệch thấp, chưa khuyến khích được các chủ rừng quy mô nhỏ. Các quy định về quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế được thực hiện nghiêm ngặt, khiến cho người trồng rừng chưa mặn mà tham gia. Tư duy của người trồng rừng muốn trồng rừng trong thời gian ngắn, nhanh thu hoạch, tự chủ quản lý nên vẫn còn tâm lý e ngại không tham gia thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Ngành chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên chỉ ra, để phát triển trồng rừng theo chứng chỉ FSC có tính bền vững, mang lại lợi ích kép, cần sớm có giải pháp khả thi, lâu dài. Trong đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là trực tiếp đối với người trồng rừng. Bên cạnh đó, chú trọng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua chế biến để việc bao tiêu sản phẩm trở thành khâu đột phá trong phát triển trồng rừng FSC.