Trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập cao

Đào An 24/04/2020 08:00

Khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đang là hướng đi mới của tỉnh Phú Thọ giúp nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và tăng giá trị của sản phẩm gỗ.

Trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập cao

Trồng rừng gỗ lớn còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất.

Theo đó, nhờ chuyển sang trồng rừng gỗ lớn đã giúp gia đình ông Nguyễn Tiến Thịnh tại khu đồi Đá Thờ, thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập tăng thu nhập lên gấp 3 lần so với trước. Với 1 ha rừng keo gia đình ông Thịnh trồng đã cho khai thác sản lượng gỗ đạt từ 200 - 250m3/ha, thu nhập 300 triệu đồng.

Ông Thịnh cho biết, trước kia ông còn trồng rừng gỗ nhỏ, sản lượng gỗ chỉ đạt sản lượng 80-90m3/ha, trị giá 70-80 triệu đồng/ha. Trong khi đó, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, vật tư, công trồng, chăm sóc và bảo vệ ban đầu, rừng lại có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.

Theo ông Thịnh trồng rừng gỗ nhỏ chỉ sau 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng gỗ chỉ bán làm nguyên liệu gỗ dăm hoặc làm nguyên liệu giấy nên giá trị rất thấp chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/tấn. Sau khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với thời gian trồng từ 10-12 năm là bán với giá rất cao từ 2,2- 3triệu đồng/m3. Do gỗ lớn có đường kính lớn có thể chế biến làm gỗ xẻ, gỗ thanh, ván ép nên bán được giá.

Từ thực tế cho thấy, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn mà còn giúp giảm xói mòn, rửa trôi đất. Hơn nữa, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc.

Tuy nhiên loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế, người trồng rừng thì vẫn chưa mặn mà. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ trồng được trên 3,4 nghìn ha; trong đó, trồng mới 1.200 ha, chuyển hóa đạt 2.100 ha.

Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ, nguyên nhân do quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn khá hạn chế, những diện tích được quy hoạch để trồng rừng gỗ lớn thậm chí đan xen giữa các chủ rừng là Nhà nước và gia đình cũng như giữa các loại rừng với nhau.

Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp và gia đình vẫn chọn việc trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh.

Để đảm bảo phát triển rừng bền vững, năm 2019, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển rừng cây gỗ lớn. Đặc biệt là chuyển đổi rừng keo - nguyên liệu giấy hiện nay sang phát triển cây gỗ lớn để nâng cao giá trị.

Theo đó các đối tượng thực hiện chuyển hóa rừng cây gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với các hợp tác xã có quy mô tập trung từ 10 ha trở lên; từ 5 ha đối với các tổ hợp tác và từ 3 ha đối với các trang trại và hộ gia đình có cam kết với UBND cấp xã, hạt Kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi.

Với gần 190.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh thực hiện trồng và chuyển hóa rừng cây gỗ lớn 8.420 ha; trong đó trồng mới 3.400 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập cao