Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khẳng định: “Bộ máy công quyền phải là trọng tâm của cuộc cải cách nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho nền kinh tế”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Nguyễn Đình Cung trong một hội thảo khoa học bàn về đổi mới thể chế nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra một hình ảnh ví von miêu tả thực trạng bi đát của doanh nghiệp tư nhân khá ấn tượng.
Trong bức hình, có một người è cổ, còng lưng vác bao tải nặng, cắm mặt dò dẫm bước đi trên một cây cầu khỉ. Ông Cung giải thích, bao tải nặng là chi phí, cầu khỉ là nền tảng thể chế. Doanh nghiệp vừa cõng nặng, vừa dò dẫm bước đi để tránh rơi xuống vực nên khó có thể vươn xa.
Các chuyên gia đều cho rằng hiện tại đang là thời điểm quyết định cho cuộc cải cách mà trọng tâm là nhằm nâng cao chất lượng nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Nội dung chủ yếu của cuộc cải cách này không chỉ từ phía các doanh nghiệp, của thị trường mà còn tùy thuộc vào sự thay đổi căn bản của tư duy quản lý nhà nước đối với nền kinh tế. Thậm chí, cần phải xem trọng tâm của cuộc cải cách là nằm ở phía Nhà nước. Vì những cải cách từ phía Nhà nước sẽ là những điều kiện cần để dẫn đường cho các thay đổi của thị trường và của cả nền kinh tế.
Việt Nam đang ở trong làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách. Đó là nội dung cảnh báo mới đây của nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo 2035 mà Ngân hàng Thế giới đang giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện.
Các chuyên gia khuyến nghị, trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể. Trong quá trình phát triển dồn ép, vai trò của Nhà nước đã thay đổi từ vai trò tập trung lên kế hoạch và chỉ huy sang vai trò hỗ trợ một cách linh hoạt và sáng tạo hơn.
Ngày nay, một Nhà nước phát triển phải đặt câu hỏi họ phù hợp với vị trí nào, bên cạnh việc làm cách nào để phát triển. Điều này đòi hỏi sự đánh giá tinh tường về thể chế, năng lực công nghiệp và nhân sự trong mối quan hệ với thể chế, năng lực và nguồn lực toàn cầu.
Dự thảo Báo cáo 2035 cho rằng, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế phát triển bền vững và mạnh mẽ.
Trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh, nhờ vậy họ có thể tăng trưởng và phát triển, từ đó tăng thu nhập quốc dân, đồng thời cũng cải thiện tình hình thị trường lao động và giúp hấp thụ những lao động dư thừa tự do trong quá trình tăng năng suất của ngành nông nghiệp.
Mặt khác, các nhà chuyên môn cũng quan ngại khi nói tới cải cách mà không thể, hoặc không dám đụng chạm tới bộ máy và con người cụ thể thì dù có ban hành hàng trăm nghị quyết, văn bản luật cũng chẳng thể thay đổi được gì.
Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khẳng định: “Bộ máy công quyền phải là trọng tâm của cuộc cải cách nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho nền kinh tế”.
Điều này được các chuyên gia giải thích, nếu công cụ quản lý, tư duy quản lý vẫn như lâu nay không chịu thay đổi, vẫn kiểm soát, quản lý theo kiểu đặt ra hàng tá rào cản bao vây doanh nghiệp thì đừng mong có sự cải cách hay sự thay đổi như mong muốn.
Đổi mới kinh tế thực sự là phải thay thế công cụ quản lý lạc hậu, di sản của kế hoạch hóa tập trung, của thể chế hành chính xin - cho bằng các công cụ quản lý nhà nước hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.
Trong đó đặc biệt chú ý việc đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, nhất là thái độ và động lực làm việc, thực thi công vụ của công chức. Còn tư duy cũ thì còn chưa thể xây dựng mô hình mới, còn “nghiện quản lý” kiểu xin – cho, quản lý nhà nước bằng cách tạo rào cản thì sẽ còn chưa có kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.