Theo quy định, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Bà Huỳnh Vũ Thùy Dương (TP Hồ Chí Minh) sinh ra, lớn lên và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh đến nay đã được 40 năm. Giấy khai sinh của bà ghi sinh năm 1977, tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Giấy chứng minh nhân dân của bà Dương ghi quê quán theo quê quán của cha bà là tỉnhTiền Giang.
Bà Dương sinh con ngày 3/10/2017. Bà đề nghị giải đáp, trong Tờ khai đăng ký khai sinh cho con, bà phải ghi quê quán của con như thế nào, quê quán tỉnh Tiền Giang hay TP Hồ Chí Minh?
Luật sư Trần Văn Toàn (Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời:
Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
Theo đó, việc ghi quê quán trong Tờ khai đăng ký khai sinh đối với trẻ em, phải căn cứ vào các giấy tờ căn cước, hộ tịch có ghi nhận quê quán của cha, hoặc mẹ của trẻ em để xác định quê quán của trẻ em đó.
Trường hợp bà Huỳnh Vũ Thùy Dương thỏa thuận với cha của trẻ, lấy quê quán của mẹ để xác định quê quán của con, thì căn cứ vào quê quán của bà ghi trên Giấy chứng minh nhân dân là tỉnh Tiền Giang, để khai quê quán của con bà là tỉnh Tiền Giang, chứ không phải là TP Hồ Chí Minh (nơi sinh của bà Dương).
Theo luật sư, việc ghi quê quán trong các giấy tờ căn cước, hộ tịch nhằm xác định nguồn gốc, tông tích theo huyết thống của một người. Cho đến nay chưa thấy có quy định, tiêu chí xác định việc thay đổi quê quán. Nhưng theo thông lệ, quê quán là nơi sinh trưởng của người ở thế hệ thứ nhất và được xác định cho 2 thế hệ kế tiếp có quan hệ huyết thống.