Trong 25 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. Trong 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có khoảng 5 triệu lượt người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp; hơn 180 nghìn người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.
Trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam đã góp phần quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội.
25 năm hình thành và phát triển
Ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động. Tiếp đó, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, từ khi thành lập đến nay, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT và đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam không chỉ triển khai hiệu quả việc phát triển đối tượng tham gia, chăm lo tốt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, mà còn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi các nội dung để Luật BHXH, Luật BHYT đi vào cuộc sống, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống An sinh xã hội.
Đánh giá về vai trò của chính sách BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, cấu trúc hệ thống an sinh xã hội ngày càng được củng cố với 4 phần gồm: Chính sách phòng ngừa (đào tạo, dạy nghề, xóa đói, giảm nghèo…); chính sách giảm thiểu, bù đắp rủi ro (BHXH, BHYT); chính sách khắc phục rủi ro (trợ cấp đột xuất và trợ cấp thường xuyên) và cuối cùng là việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông…). Trong 4 phần đó thì chính sách BHXH, BHYT là trụ cột cơ bản, quyết định nhất của hệ thống an sinh xã hội.
“BHXH Việt Nam được Đảng và Nhà nước giao thực hiện cả 2 chính sách này, đây là một trọng trách rất lớn. Với chặng đường 25 năm, ngành BHXH đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu lớn như: Số người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin... Qua các cuộc khảo sát, niềm tin, sự hài lòng của người dân từng bước được cải thiện, tăng cao” - Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi đánh giá.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Qua 25 năm hoạt động, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 đến năm 2018, ngành BHXH, ngành Y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Hướng tới mọi người dân đều được hưởng chính sách
Thực tế cũng cho thấy từ khi thành lập đến nay, ngành BHXH đã giải quyết cho trên 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Qua gần 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có gần 5 triệu lượt người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong lĩnh vực BHYT, từ năm 2003 - 2018, ngành BHXH, ngành y tế đã phối hợp để đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí KCB BHYT.
Đáng ghi nhận trong 10 năm gần đây, ngành BHXH tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và tất cả cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Triển khai cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình. Khai trương Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT... Với những nỗ lực này, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong bảng xếp hạng này, năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý...
Mặc dù vậy, việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT ở Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức. Trong triển khai thực tế, hệ thống chính sách về BHXH, BHYT; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH vẫn hạn chế và chưa đồng bộ. Công tác phát triển đối tượng còn gặp nhiều khó khăn, khi số người tham gia BHXH mới đạt hơn 15,2 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có những đột phá trong năm 2019, nhưng còn ở mức thấp; mục tiêu đến năm 2020 có hơn 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục là thách thức lớn cho ngành BHXH. Số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm (giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm số người hưởng BHXH một lần là 628 nghìn người; như vậy, cứ thêm hai người mới tham gia BHXH thì có một người đang tham gia rời khỏi hệ thống), dẫn tới tốc độ mở rộng bao phủ BHXH rất chậm, mục tiêu bảo đảm ASXH cho mọi người lao động bị ảnh hưởng...
Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với một quốc gia có tới gần 70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp, các chính sách ASXH của Việt Nam trong thời gian tới phải quan tâm tới nhu cầu ASXH ngày càng lớn của nhóm này. Do vậy, phải từng bước mở rộng và bảo đảm ASXH đồng thời phải gắn với việc phát triển việc làm, thu nhập thỏa đáng, trình độ tay nghề, chuyên môn, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động để họ có cơ hội và điều kiện chuyển sang khu vực lao động chính thức trong nền kinh tế. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng, sửa đổi các đạo luật trong lĩnh vực xã hội, mà Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, và các luật liên quan sẽ được sửa đổi sắp tới như: Luật Việc làm; Luật BHXH; Luật BHYT trong thời gian tới.