Truyền thống nhân ái của dân tộc ta là thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách. Vì thế, khi biết những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, nhiều người sẵn lòng giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần. Lợi dụng điều đó, nhiều kẻ bất lương đã giương ra những cái bẫy, giả vờ làm từ thiện để chiếm đoạt tiền của các nhà hảo tâm.
Mới đây, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về nạn lập các trang Facebook, giả làm từ thiện để chiếm đoạt tiền của các Mạnh thường quân. Trường hợp mới đây nhất là đối tượng Trần Văn Lâm (ở tỉnh Hà Nam) đã bị lực lượng công an bắt giữ vì đã lập ra điều hành hàng chục fanpage kêu gọi làm từ thiện rồi... đút túi.
Điều đáng nói, không chỉ có Trần Văn Lâm lừa tiền của những người tốt bụng. Trên không gian mạng xã hội còn có khá nhiều kẻ vô lương tương tự đang giăng bẫy rình rập chờ đợi “con mồi” là những người nhẹ dạ cả tin. Vậy là lòng tốt, sự nhân văn của nhiều người đã bị lợi dụng, họ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho những tên tội phạm.
Nói như vậy không có nghĩa là trách móc những người giàu lòng vị tha, muốn góp phần giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Song, trong câu chuyện họ bị các đối tượng vô lương lừa tiền dễ dàng cũng bởi quá nhẹ dạ cả tin, không kiểm chứng thông tin. Chỉ cần có “độ lùi”, tìm hiểu kỹ càng về người kêu gọi từ thiện, có lẽ đã không bị kẻ xấu lừa.
Đáng tiếc, thực tế có không ít người coi việc chuyển khoản làm từ thiện là “tán lộc”, chứ cũng chưa hẳn là xuất phát từ cái tâm đau đáu với những hoàn cảnh éo le trong cuộc đời. Vì thế, họ cũng chẳng quan tâm fanpage và chủ nhân của nó làm từ thiện thật hay giả, nếu có bị lừa mất ít tiền cũng chẳng sao, miễn là “lòng thanh thản”.
Vậy là những người tốt thật sự nhưng nhẹ dạ cả tin, hay những “trọc phú” chỉ có nhu cầu “tán lộc” đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để những kẻ xấu có ý đồ trục lợi “canh tác”. Trong một môi trường “làm ăn” tốt như vậy, lẽ nào các loại tội phạm lại bỏ qua cơ hội? Đó là nguyên nhân các fanpage kêu gọi từ thiện mọc lên như nấm sau mưa rào.
Song, nói tới cùng thì sự nhẹ dạ cả tin của các nhà hảo tâm cũng chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ dẫn đến vấn nạn giả làm từ thiện để lừa đảo. Quan trọng hơn là hành lang pháp lý điều chỉnh vấn đề thiện nguyện hiện đang có những lỗ hổng, khiến các đối tượng xấu dễ dàng lợi dụng để trục lợi bất chính.
Hiện, đang có thực trạng là ai cũng có thể kêu gọi từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, người người làm từ thiện. Pháp luật lại không thể điều chỉnh, khó kiểm soát được những người kêu gọi từ thiện thu bao nhiêu, chi những việc gì. Vì thế, rất ít kẻ mượn danh nghĩa từ thiện để trục lợi sa lưới pháp luật, nếu không vì lý do nào đó mà bị “soi”.
Cũng dễ hiểu, bởi thực tế ở cả không gian mạng và ngoài đời thực, có “ty tỷ” người kêu gọi từ thiện, hành lang pháp lý lại chưa rõ, chẳng có lý do gì để các cơ quan bảo vệ pháp luật phải “để mắt” tới. Hơn nữa, dù có muốn truy xét thì lực lượng công an cũng không thể đủ nhân lực để điều tra, xác minh tất cả những người kêu gọi từ thiện.
Còn một nguyên nhân cũng khá then chốt tạo cơ hội cho kẻ xấu dễ dàng lừa đảo, đó là việc không ít người có tâm lý không thích làm từ thiện qua các cơ quan chức năng. Một số người có ý nghĩ cực đoan cho rằng, tiền, hàng cứu trợ, giúp đỡ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn đôi khi không đến được địa chỉ cần đến, mà lại chui vào nhà “quan”.
Cách nghĩ trên là hết sức tiêu cực, nhưng không hẳn là không có cơ sở. Chẳng phải thực tế có khá nhiều các trung tâm bảo trợ bớt xén quà cứu trợ của các Mạnh thường quân dành cho người nghèo, người tàn tật đó sao? Chẳng phải có không ít “quan xã” đã “chia phần” cứu trợ cho cả bản thân và người nhà dù giàu nứt đố đổ vách đó sao?
Chính từ thực tế đau lòng, đáng xấu hổ đó mà một số người thà bị lừa bởi kẻ xấu còn hơn là gửi cứu trợ qua các cơ quan chức năng. Họ cho rằng, nếu chuyển cho cá nhân, hội, nhóm thì tiền, hàng cứu trợ sẽ nhanh chóng đến tận tay người nghèo, hoàn cảnh khó khăn một cách đầy đủ nhất. Đây là cách nghĩ sai lầm, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Để tránh tái diễn tình trạng kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của các Mạnh thường quân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên chăng các cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp giám sát hoạt động từ thiện, dù của tổ chức hay cá nhân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để bịt chặt những lỗ hổng “chết người”, không cho tội phạm có cơ hội trục lợi. Hy vọng, thời gian tới sẽ không còn thực trạng trục lợi lòng tốt nữa.