Nhân kỷ niệm 65 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958-12/2023), hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề “Những hạt giống đỏ”. Trưng bày mở cửa từ ngày 19/12/2023 đến tháng 3/2024.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với vai trò và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người đã lựa chọn, ươm mầm những hạt giống đỏ - thế hệ những người cộng sản đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).
Trưng bày gồm hơn 100 tài liệu, hiện vật và nhiều hình ảnh tư liệu quý (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ ươm mầm, gieo trồng, đào tạo và những chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc.
Nội dung trưng bày gồm 2 phần. Trong đó, ở phần 1 với chủ đề “Người ươm mầm những hạt giống đỏ” sẽ giới thiệu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua tác phẩm Đường Kách mệnh (Bảo vật quốc gia); các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc); những hình ảnh, tài liệu, hiện vật và câu chuyện về đội ngũ thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên.
Phần 2 với chủ đề “Khí phách người cộng sản”, giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930 gắn với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những hạt giống đỏ đầu tiên - học trò xuất sắc của Người. Giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh là những kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Tại nơi tù ngục này, các Đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng.Những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.
Theo BTC, sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cống hiến của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở Việt Nam. Từ đó nhận thức sâu sắc hơn vai trò của những hạt giống đỏ được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ươm mầm, gieo trồng cho cách mạng Việt Nam. Qua đó, thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã cống hiến trí tuệ và mạng sống của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.
“Vang mãi lời thề quyết tử”
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023), Thư viện Hà Nội cũng đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Vang mãi lời thề quyết tử”. Trưng bày gồm 500 tư liệu sách, báo được tuyển chọn. Trưng bày chuyên đề tập trung giới thiệu tới bạn đọc Thủ đô các tư liệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, đặc biệt là các tư liệu về Ngày Toàn quốc kháng chiến. Trưng bày góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, văn hiến, anh hùng của dân tộc, đặc biệt là truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân Thủ đô trong 60 ngày đêm với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy tinh thần đại đoàn kết, tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc kiến tạo Thủ đô, xây dựng đất nước.