Trung Đông chia rẽ

Khánh Duy 06/01/2016 09:25

Ảnh hưởng xấu từ sau vụ  Arab Saudi xử tử một giáo sỹ Hồi giáo dòng Shi’ite dường như đã trở nên nghiêm trọng hơn là mối bất đồng giữa Iran và nước này, khi các quốc gia trong khu vực Trung Đông bắt đầu có dấu hiệu chia bè kết phái, trong khi các thế lực như Nga và Trung Quốc cũng đang cân nhắc.

Trung Đông chia rẽ

Sự chia rẽ bắt đầu lan rộng khắp Trung Đông
sau vụ xử tử giáo sỹ người Shi’ite (Nguồn: BBC).

Không nhượng bộ

Mối quan hệ giữa Arab Saudi và Iran – 2 thế lực lớn ở Trung Đông – đã nhanh chóng trở nên căng thẳng sau khi chính quyền Riyadh xử tử giáo sỹ người Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr hồi cuối tuần trước. Chỉ vài giờ sau khi vụ xử tử xảy ra, rất nhiều người ở đất nước Iran chiếm phần đông cộng đồng người Shi’ite đã tấn công Đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran. Sự việc khiến phía Arab Saudi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Giới chức ở cả hai nước đều bảo vệ quan điểm của mình, và không đưa ra tín hiệu nhượng bộ nào. Arab Saudi, bắt đầu từ hôm 5/1, đã ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Iran. Họ cũng gửi một bức thư tới Hội đồng Bảo an LHQ, cáo buộc chính quyền Iran đã không làm tròn trọng trách bảo vệ Đại sứ quán của họ ở nước này.

Jaberi Ansari, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, nói rằng đất nước của ông luôn cam kết bảo vệ các nhiệm vụ ngoại giao và nhắc lại rằng không có nhân viên ngoại giao nào của Arab Saudi bị tổn hại trong vụ tấn công nói trên.

Quan chức này cũng đồng thời cáo buộc ngược Arab Saudi đã “tìm cớ để theo đuổi chính sách riêng, nhằm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Trong khi đó, một số quốc gia ở khu vực Trung Đông đã bắt đầu rục rịch đưa ra tín hiệu đầy chia rẽ, một số khác kêu gọi các bên kiềm chế.

Chia bè kết phái

Bahrain trong hôm 5/1 đã tuyên bố rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, nhấn mạnh về “sự can thiệp nguy hiểm và rõ ràng” của Tehran ở Bahrain cùng một số quốc gia Arab khác.

Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) thì nói rằng họ sẽ “giáng cấp” quan hệ ngoại giao với Iran, đồng thời triệu hồi Đại sứ ở Tehran về nước, và nói rằng họ cũng sẽ giảm số lượng nhân viên ngoại giao đang làm việc ở nước này. Một tuyên bố của Chính phủ nước này cũng nói rằng UAE “đã thực hiện biện pháp này vì sự can thiệp của Iran đến nội bộ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và các nước Arab”.

Bất đồng ngoại giao thậm chí còn lan tới tận châu Phi, sau khi Sudan – đất nước có cộng đồng lớn người Hồi giáo dòng Sunni – trục xuất Đại sứ Iran khỏi nước này và ngừng toàn bộ nhiệm vụ ngoại giao với Iran.Sudan cũng triệu hồi Đại sứ của họ từ Tehran về nước.

Trong khi đó, Chính phủ Arab Saudi cũng đưa ra tuyên bố mới về động thái của Sudan, trong đó hoan nghênh nước này đã có hành động trước “sự can thiệp của Iran trong khu vực”.

Về phần mình, các cường quốc như Nga và Trung Quốc - 2 quốc gia đóng vai trò địa chính trị lớn trong khu vực - đưa ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế.

“Moscow quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông giữa các nước quan trọng trong khu vực” – Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố. Nga cũng kêu gọi Arab Saudi và Iran “kiềm chế và tránh mọi hành động có thể gây căng thẳng trong đó có vấn đề về tôn giáo”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì nói rằng họ đang quan sát sát sao mọi diễn biến và hy vọng rằng các bên sẽ kiềm chế, tổ chức đối thoại và đàm phán để giải quyết các khác biệt, chung tay làm việc để đảm bảo nền hòa bình và an ninh trong khu vực.

Theo giới phân tích, từ trước khi Arab Saudi tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Iran, thì mối quan hệ của họ cũng đã hết sức căng thẳng và điều đó thể hiện hết sức rõ rệt. Hai quốc gia này luôn đưa ra hai quan điểm trái ngược nhau về mọi vấn đề, từ cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Yemen, Bahrain cho đến Lebanon. Câu hỏi ở đây là liệu sự căng thẳng này sẽ dẫn đến những sự kiện tồi tệ đến mức nào?

Một số chuyên gia còn cho rằng sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai “kỳ thủ” lớn trên bàn cờ Trung Đông này có khả năng sẽ dấy lên một cuộc xung đột quân sự trực tiếp. Và tất cả sự kiện không may đó đều bắt đầu vào dịp đầu năm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Đông chia rẽ