Giới đầu tư tài chính quốc tế cho rằng, dù “mỏ dầu Trung Đông đang có nguy cơ bén lửa” bởi sức nóng của chiến sự, nhưng nhu cầu năng lượng giảm đã khiến giá dầu không “sôi”, thậm chí còn “nguội”.
Ở thời điểm ngày 25/10, giá dầu thô đã giảm hơn 5% (tính trung bình trong vòng 1 tháng) sau khi có thông tin Israel sẽ không tấn công các cơ sở dầu thô hoặc cơ sở hạt nhân của Iran. Cụ thể, giá dầu thô tại Mỹ xuống còn 69,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent Biển Bắc của châu Âu cũng giảm ở mức tương tự còn 73,34 USD/thùng.
Đáng chú ý, sáng 28/10, giá dầu tại châu Á giảm hơn 4%, giá dầu Brent ở mức 72,88 USD/thùng, giảm 3,17 USD; trong khi giá dầu WTI giảm 3,13 USD xuống còn 68,65 USD/thùng.
Nhà phân tích Tim Evans tại Evans Energy, cho rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (nhóm OPEC+) khó có thể tăng sản lượng vào tháng 12 tới như kế hoạch, do giá dầu vẫn trong xu thế đi xuống. “Lò lửa” Trung Đông nóng nhưng giá dầu thô vẫn không quay đầu tăng. Điều đó trái ngược với hầu hết các dự đoán. Lo lắng nhất là các ông chủ mỏ dầu Vùng Vịnh, họ cho rằng nếu tình trạng giá dầu giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khu vực này.
Ngày 27/10, đại diện Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, càng khiến triển vọng thêm bi quan. Hồi giữa tháng 10, OPEC đã giảm sản lượng lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay, nhằm mục đích đẩy giá dầu đi lên. Tuy nhiên, tình hình vẫn không sáng sủa.
Trong bối cảnh đó, nói như chuyên gia Rishi Rajanala thuộc Công ty cung cấp dịch vụ chiến lược Aegis Hedging, thì nếu các ông chủ dầu mỏ lo lắng thì các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ sẽ “ăn mừng”. "Hiện tại, nguồn cung vẫn tiếp tục chảy, và nếu không có sự gián đoạn lớn nào xảy ra, thị trường sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể trong năm mới" - tờ Guardian dẫn nhận định của IEA.
Trong khi đó, tiến sĩ Andrea Zanon - nhà sáng lập Tổ chức Confidente phân tích, quỹ đạo của giá dầu có thể sẽ phụ thuộc vào sự tương tác giữa căng thẳng kinh tế và địa chính trị. Bất kỳ sự leo thang nào về chiến sự cũng sẽ giật ngược giá dầu. "Khi thị trường toàn cầu tiếp tục điều chỉnh, những người ra quyết định sẽ cần theo dõi chặt chẽ các động thái này và chuẩn bị cho sự khó lường hơn nữa trên thị trường dầu mỏ" - tiến sĩ Andrea Zanon nói và cho rằng với kịch bản xấu nhất khi xung đột lan rộng dẫn đến Iran đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển huyết mạch của dầu mỏ Trung Đông - thì giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng (so với mức trung bình 73 USD/thùng hiện nay). Tuy nhiên, đây là kịch bản khó xảy ra.
Còn nhà phân tích Zeeshan Shah của FINRA (tổ chức của Mỹ trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán) cho rằng, nước hưởng lợi lớn nhất từ giá dầu tăng sẽ là Saudi Arabia, các nước Vùng Vịnh. Và vì thế, với những gì diễn ra trong suốt tháng 10 vừa qua cho thấy giá dầu đi xuống lại gia tăng căng thẳng khu vực Trung Đông theo một cách khác. Đó là lợi ích kinh tế bị kéo giảm.
Câu hỏi đặt ra là vì sao OPEC cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn đi xuống? Theo giải thích của ông Dennis Kissler - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại Công ty BOK Financial (có trụ sở tại Oklahoma, Mỹ), thị trường hiện tại không có sự gián đoạn nguồn cung nào bất chấp chiến sự ở Trung Đông đứng trước nhiều khả năng lan rộng.
Hiện nay, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Tuy vậy, điều đó cũng không gây quan ngại về nguồn cung. Có nghĩa là từ nay tới hết năm 2024, giá dầu mỏ khó có thể lên quá 83 USD/thùng.
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến mức tiêu thụ xăng dầu giảm, kéo theo giá dầu thô giảm chính là áp lực đến từ xe điện. Theo IEA, xăng dầu chiếm hơn 90% tổng nhu cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải toàn cầu, tuy nhiên con số này sẽ giảm mạnh trong những năm tới do sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng xe điện. IEA dự đoán ô tô điện sẽ thay thế việc tiêu thụ 5 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2030 và 13 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Sự bùng nổ của ô tô điện gây ra “cơn địa chấn” trong ngành công nghiệp ô tô. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, năm 2023, doanh số xe điện và hybrid toàn cầu tăng 31% so với 2022 với 13,6 triệu chiếc. Trong đó, xe điện đạt 9,5 triệu chiếc và xe hybrid là 4,1 triệu chiếc.
Dự báo của IEA, đến năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm hơn 10% số lượng phương tiện giao thông đường bộ. Tổng số lượng ô tô điện trên toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 40 triệu chiếc năm 2023, lên 240 - 250 triệu chiếc vào năm 2030.
Như vậy, rất có thể thời hoàng kim của dầu thô sẽ sớm đi qua. Ít nhất đến hết năm 2024 này, giá dầu thô thế giới giảm khoảng 15 - 20% so với đầu năm.
Hiện dư luận quốc tế tập trung vào chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Đông, kéo dài một tuần. Đây là chuyến đi thứ 11 của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái. Chuyến công du được cho là tìm cách hạ độ nóng chiến sự, đồng thời ngăn chặn việc chiến sự có thể làm gián đoạn nguồn cung thị trường dầu mỏ. Trung Đông luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng bậc nhất đến an ninh năng lượng thế giới với 48,4% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu; sản xuất 33,3% sản lượng và chiếm trên 38,5% số lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn thế giới.