Trung Quốc và Ấn Độ đã điều các máy bay chiến đấu tối tân nhất tới các căn cứ quân sự gần khu vực biên giới tranh chấp tại Himalaya, nơi căng thẳng song phương vẫn tiếp diễn.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc và Ấn Độ đã điều các máy bay chiến đấu tối tân nhất tới các căn cứ quân sự gần khu vực biên giới tranh chấp tại Himalaya, nơi căng thẳng song phương vẫn tiếp diễn.
Theo một bài viết do Forbes đăng tải dẫn hình ảnh vệ tinh thương mại, hai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc đã xuất hiện tại căn cứ không quân Hotan tại khu vực Tân Cương ở phía Tây.
Căn cứ không quân này là nơi gần nhất của Trung Quốc với khu vực Aksai Chin tranh chấp, cách đó 320km.
Tuần trước, tờ Hindustan Times cũng cho biết Ấn Độ đã triển khai năm máy bay chiến đấu Dassault Rafale mới tới Ladakh. Các máy bay này đã thực hiện hành trình bay đêm trên vùng núi Himachal Pradesh.
Căng thẳng tại khu vực này luôn ở mức cao kể từ tháng 6 khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc đụng độ biên giới tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Thung lũng Galwan nằm giữa Aksai Chin và Ladakh.
Cuối tháng 6, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sỹ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sỹ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.
Ấn Độ cho đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc không rút quân khỏi các khu vực tuần tra, đồng bằng Depsang và Gogra sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao.
Ấn Độ bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ phối hợp để thực thi các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.
Theo các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh hai nước láng giềng tìm cách giành được lợi thế tại "nóc nhà" thế giới, Trung Quốc có ưu thế hơn khi điều các máy bay chiến đấu đến khu vực này.
Các chuyên gia nhận định máy bay tiêm kích J-20 một chỗ ngồi của Trung Quốc có thể giành ưu thế áp đảo trên không bởi khả năng tàng hình vì có khả năng tránh sự phát hiện của radar và đạt tốc độ siêu thanh.
Trong khi đó, các chiến đấu cơ Rafale 1-2 chỗ ngồi mới chỉ tới Ấn Độ hôm 29/7 cũng được trang bị hệ thống quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) như tiêm kích J-20, có thể theo dấu nhiều mục tiêu trong bất kỳ thời tiết nào.
Các máy bay Rafale đa nhiệm cũng nhỏ và nhẹ hơn đáng kể so với các máy bay J-20.
Không quân Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale theo một thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD với Pháp vào năm 2016 và việc bàn giao dự kiến hoàn tất vào năm 2021.
Trong khi Không quân Trung Quốc không tiết lộ sở hữu bao nhiêu máy bay tàng hình J-20, song con số ước tính ít nhất là 50 chiếc.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trang mạng Times of India ngày 19/8 đưa tin Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tổ chức phiên họp lần thứ 18 Cơ chế làm việc về tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới (WMCC) vào ngày 20/8 trong khuôn khổ đối thoại giữa hai quốc gia về việc rút quân khỏi đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Đông Ladakh và giảm leo thang quân sự.
Tháng trước, hai nước đã tổ chức phiên họp WMCC lần thứ 17 và nhất trí rút quân sớm và hoàn toàn dọc theo LAC cũng như giảm leo thang căng thẳng phù hợp với các thỏa thuận và giao thức song phương, đồng thời nhất trí khôi phục hoàn toàn nền hòa bình được xác định là cần thiết cho phát triển quan hệ song phương.