Lô thuốc có tiềm năng điều trị hiệu quả đối với dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) đã được đưa vào sản xuất tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Trung Quốc và nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc phát triển vắc xin chống virus Corona chủng mới. (Ảnh: Getty).
“Ngày 15/2, thuốc do công ty dược phẩm Hisun Chiết Giang phát triển đã được Cục Giám sát Dược phẩm Quốc gia cấp phép chính thức để đưa vào thị trường”, chính quyền thành phố Taizhou thông báo hôm 16/2.
“Trong giai đoạn bùng phát virus Corona chủng mới, đây là loại thuốc đầu tiên tại Trung Quốc được cấp phép chính thức để đưa vào danh sách các loại thuốc có tiềm năng hiệu quả trong việc điều trị virus Corona chủng mới”, thông báo nhấn mạnh, đồng thời cho biết tên của loại thuốc này trước đây là favipiravir hay avigan.
Hồi đầu tháng 2, Trung tâm Phát triển Công nghệ sinh học Quốc gia Trung Quốc cho biết remdesivir và favipiravir có thể trở thành phương thuốc điều trị hiệu quả virus Corona chủng mới. Trung tâm này thông báo thêm rằng, các chuyên gia Trung Quốc cũng bắt đầu thử nghiệm nhiều loại vắc xin chống virus Corona chủng mới trên động vật.
Việc thử nghiệm trên động vật là bước tiếp theo trong quy trình phát triển vắc xin thực sự. Tiến sĩ Li Hangwen, giám đốc điều hành công ty Stemirna Therapeutics LLC, cho biết thông thường vắc xin cần trải qua 3 bước thử nghiệm lâm sàng. Thời gian có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm, tùy theo giai đoạn thử nghiệm và bệnh nhân thử nghiệm.
Các nhà khoa học trên toàn thế giới đều đang sử dụng công nghệ mới trong cuộc đua tham vọng trị giá nhiều triệu USD để tìm ra vắc xin chống dịch Corona. Phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego (Mỹ) cho biết họ chỉ mất 3 giờ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin chống virus Corona chủng mới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cho biết, hiện tại chưa có vắc xin hay loại thuốc đặc chủng nào để điều trị dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra. Do vậy, thế giới có thể phải chờ 18 tháng nữa để có lô vaccine đầu tiên.
Thậm chí, các nhà khoa học có thể sẽ rơi vào tình huống tương tự đại dịch SARS hồi năm 2002-2003, khi dịch được dập tắt trước khi có bất kỳ loại vắc xin nào được chế tạo thành công.
Dịch corona bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm 2019. Tính đến nay, số ca tử vong do dịch đã lên tới hơn 1.700 người, trong khi số ca nhiễm là hơn 70.000 người.