Trung Quốc hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống 'phần tối' Mặt trăng

Khánh Duy 04/01/2019 00:30

Một tàu vũ trụ của Trung Quốc đã có cú hạ cánh lịch sử xuống phần tối của Mặt trăng trong hôm 3/1, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại hạ cánh xuống khu vực chưa được khám phá của Mặt trăng, và thúc đẩy tham vọng trở thành siêu cường vũ trụ của Trung Quốc.

Trung Quốc hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống 'phần tối' Mặt trăng

Mô hình của tàu vũ trụ Hằng Nga-4. (Nguồn: AP).

Cú hạ cánh lịch sử

Tàu Hằng Nga-4 đã hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng vào lúc 10h26 (giờ Bắc Kinh) và gửi về một bức ảnh chụp bề mặt tới vệ tinh Queqiao – vệ tinh giúp kết nối liên lạc từ tàu vũ trụ trên với đài kiểm soát dưới Trái đất; kênh truyền hình trung ương CCTV cho hay.

Chính quyền Bắc Kinh hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình vũ trụ mà quân đội nước này quản lý, với hy vọng sẽ thành lập được một trạm không gian có người ở vào năm 2022, và mục tiêu cuối cùng là gửi con người lên Mặt trăng.

Nhiệm vụ của tàu vũ trụ Hằng Nga-4 được phóng từ hồi cuối tháng 12/2018 tại trung tâm phóng Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên. Đây là tàu vũ trụ thứ hai mà Trung Quốc phóng thành công lên bề mặt Mặt trăng, sau nhiệm vụ của tàu Yutu (Thỏ Ngọc) hồi năm 2013.

Không giống như phần có thể nhìn thấy được của Mặt trăng vốn có nhiều khu vực bằng phẳng dễ hạ cánh tàu vũ trụ, phần tối của Mặt trăng có địa hình phức tạp, gồ ghề hơn nhiều. Do Mặt trăng quay quanh Trái đất của chúng ta, và quay cùng vận tốc nên phần tối của nó không thể nhìn thấy từ Trái đất. Các tàu vũ trụ mà nhân loại phóng đi trước kia mới chỉ quan sát được phần tối của Mặt trăng, chứ chưa từng hạ cánh thành công trên đó.

Tàu Hằng Nga-4 có nhiệm vụ thực hiện 6 thí nghiệm của Trung Quốc và 4 thí nghiệm của các nước khác, trong đó bao gồm các nghiên cứu về sóng radio tần số thấp ngoài vũ trụ. Con tàu không người lái này cũng sẽ thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm phóng xạ, khoáng chất – Tân Hoa Xã dẫn Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho hay.

Trong hôm 3/1, phía Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã hoan nghênh vụ phóng lịch sử của Trung Quốc, gọi đó là vụ hạ cánh “đầu tiên của nhân loại” trên mặt tối của Mặt trăng.

Vượt qua thách thức

Phải đến mãi năm 1959, Liên bang Xô viết với ghi lại được những hình ảnh đầu tiên của cái gọi là “phần tối” đầy bí ẩn của Mặt trăng. Tính đến trước thời điểm tàu Hằng Nga-4, không một tàu vũ trụ nào chạm được tới bề mặt phần tối của Mặt trăng, bởi đó là một nhiệm vụ kỹ thuật đầy khó khăn.

Và để thực hiện thành công vụ hạ cánh chưa từng có tiền lệ đó, Trung Quốc đã phải chuẩn bị trong suốt nhiều năm liền. Một trong những thách thức lớn nhất trong sứ mệnh này chính là kết nối liên lạc với tàu không người lái – bởi không hề có một đường tín hiệu thẳng dẫn tới phần tối của Mặt trăng.

Để giải quyết vấn đề này, hồi tháng 5/2018, Trung Quốc đã đẩy vệ tinh Queqiao vào quỹ đạo của Mặt trăng, đặt nó ở vị trí có thể truyền và nhận tín hiệu liên lạc, điều khiển từ tàu vũ trụ tới Trái đất.

Một thách thức lớn khác mà Hằng Nga-4 phải giải quyết đó là điều kiện cực kỳ khắc nghiệt trong khoảng thời gian đêm trên Mặt trăng - thường kéo dài 14 ngày tính theo giờ trên Trái đất - với nhiệt độ có thể xuống thấp tới -173 độ C. Vào thời điểm ban ngày trên Mặt trăng - cũng kéo dài 14 ngày - nhiệt độ lại tăng lên tới 127 độ C.

Bởi vậy, trang thiết bị trên tàu Hằng Nga-4 cần phải chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó, cùng lúc sản sinh ra đủ năng lượng để duy trì hoạt động trong khoảng thời gian dài.

Ngoài các khó khăn trên, Hằng Nga-4 còn được triển khai tới khu vực Cực Nam của Mặt trăng - còn gọi là lòng chảo Aitken. Đây là khu vực có địa hình cực kỳ phức tạp và lởm chởm.

Trước đây, trong sứ mệnh năm 2013, tàu vũ trụ Thỏ Ngọc từng vượt qua được những thách thức trên và đã thăm dò bề mặt Mặt trăng trong khoảng thời gian 31 tháng liền. Thành công của tàu Thỏ Ngọc đã tạo nền móng vững chắc cho chương trình vũ trụ hiện tại của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh cũng đang lên kế hoạch sẽ cử thêm một tàu vũ trụ khác lên Mặt trăng - tàu Hằng Nga-5, trong năm tới để thu thập các mẫu vật và mang chúng trở về Trái đất.

Và đó mới chỉ là một trong các mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc. Các mục tiêu khác bao gồm thiết lập một bệ phóng có thể tái sử dụng vào năm 2021, chế tạo một tên lửa siêu mạnh có sức tải lớn hơn so với các loại tên lửa mà NASA sử dụng, thiết lập một căn cứ trên Mặt trăng, một trạm không gian vĩnh cửu có người ở và một tàu thăm dò Sao Hỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc hạ cánh thành công tàu vũ trụ xuống 'phần tối' Mặt trăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO