Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương của các nước thành viên nhóm G20 đã bắt đầu cuộc thảo luận kéo dài hai ngày về tình hình kinh tế thế giới tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5/9, trong đó tập trung chủ yếu vào sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đã reo rắc nỗi lo
cho nhiều đại diện đến từ các nước tham gia G20. (Nguồn: AFP).
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách tham gia Hội nghị G20 lần này đều hứa hẹn sẽ đưa ra một tuyên bố, trong đó dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuyên bố đầy lạc quan này dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày cuối của hội nghị, cho dù nó gần như trái ngược với tình trạng hoang mang khi thế giới chứng kiến nhiều nền kinh tế tăng trưởng chững lại so với dự báo.
Dù đã thừa nhận thực tế, như trong đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra rằng, kinh tế toàn cầu trong năm nay là đáng thất vọng, nhưng các quốc gia tham dự hội nghị vẫn cho rằng đây chưa phải thời điểm để chung tay hành động.
Bởi vậy, dù nhận thức rõ về tình trạng dễ đổ vỡ của thị trường tài chính thế giới thời gian qua, nhưng giới chức tham gia G20 vẫn nói rằng họ sẽ đưa ra mức dự báo tăng trưởng toàn cầu khả quan. Các nước G20 cũng tránh đề cập tới một số vấn đề nóng bỏng hiện nay như mức tăng trưởng đang chững lại của Trung Quốc hay khả năng gây bất ổn nếu như Mỹ quyết định tăng tỷ lệ lãi suất.
Tuy nhiên, những điều đó cũng không thể ngăn chặn hội nghị lần này tập trung tranh luận về hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Một số đại diện đến từ các nền kinh tế đang trỗi dậy mong muốn Hội nghị G20 lần này đưa ra cảnh báo về dự định tăng tỷ lệ lãi suất của Mỹ - có thể gây tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài cho họ - nhưng lại không được thỏa mãn do bị Mỹ cùng một số nền kinh tế lớn khác bác bỏ.
Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nói rằng, Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất sẽ là một dấu hiệu của quá trình bình thường hóa “và nó sẽ là một điểm cộng cho nền kinh tế toàn cầu”. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng chia sẻ quan điểm tương tự.
Bên cạnh quan ngại về khả năng Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất đồng USD, thì tình trạng tăng trưởng chậm lại cùng một số biện pháp mà chính phủ Trung Quốc đưa ra mới đây nhằm dập tắt tình trạng dễ đổ vỡ của thị trường tài chính nước này cũng gây ra nhiều mối quan ngại.
Phái đoàn Trung Quốc tham dự G20 lần này nói rằng nền kinh tế của họ cơ bản vẫn mạnh mẽ, và rằng chính phủ hiểu rõ tình hình hiện tại và không hề tìm cách chạy đua phá giá đồng nội tệ để đạt lợi ích trong xuất khẩu. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Yi Gang, nói rằng: “Căn bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định”.
Và dù rằng viễn cảnh kinh tế Mỹ và châu Âu đang được cải thiện khiến nhiều người nghĩ rằng mức tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn chệch hướng, thì nhiều người khác vẫn quan ngại khi giá dầu mỏ giảm vẫn chưa đủ để thúc đẩy sức tiêu thụ để đạt được mức tăng trưởng như dự báo về năm 2016 từng đưa ra.
Những mối quan ngại này được nêu rất rõ ràng trong báo cáo ngắn mà IMF phát cho phái đoàn các nước đến tham dự Hội nghị G20. Jens Weidmann, người đứng đầu ngân hàng Bundesbank của Đức, nhận định rằng dù mức tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc có thể không phải mối đe dọa dài hạn với nền kinh tế toàn cầu, nhưng đã khiến “viễn cảnh về mức tăng trưởng chậm” ở nhiều khu vực, chứ không chỉ riêng với châu Âu.
Trong khi đó, Guy Ryder, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo: “Nền kinh tế phục hồi ở mức chậm sẽ tiếp tục gây gánh nặng đối với các thị trường trong khối G20, trong khi gây nên tình trạng thiếu việc làm”.
Dù cho tình trạng kinh tế thế giới đang khiến nhiều người hết sức quan ngại, thì thực tế này lại không được chia sẻ trong hội nghị G20, bởi nó không phải quan điểm chung của đại đa số các nước thành viên. Thay vào đó, đa số tin rằng tín hiệu tiêu cực trên các thị trường tài chính toàn cầu trong suốt mùa hè năm nay đã thổi phồng sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu.