Xung quanh hố đen trung tâm của dải Ngân hà có thể tồn tại hàng nghìn hố đen nhỏ hơn. Ảnh: New Scientist. |
Các nhà khoa học tại Đại học Colombia, Mỹ phát hiện 12 hố đen ở trung tâm của dải Ngân hà, hay thiên hà Milky Way, AFP hôm qua đưa tin. Theo nhà thiên văn học Chuck Hailey, thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát hiện này chỉ giống như bề nổi của tảng băng trôi, hàng nghìn hố đen khác có thể tồn tại xung quanh hố đen khổng lồ Sagittarius A ở lõi của dải Ngân hà.
Hố đen gần như không thể quan sát trực tiếp vì lực hấp dẫn của chúng mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra khỏi. Tuy nhiên, chúng phát ra tia X khi vật chất bị hút vào chân trời sự kiện. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Đại học Colombia quyết định theo dõi hố đen nhị phân - được hình thành khi một hố đen tìm được ngôi sao đồng hành và hút vật chất từ ngôi sao đó. Quá trình này phát ra vụ nổ tia X có thể quan sát trực tiếp.
Các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu tia X của 12 hố đen nhị phân trong phạm vi ba năm ánh sáng từ hố đen trung tâm Sagittarius A. Dựa trên dữ liệu nghiên cứu hố đen, họ ước tính khoảng 500 hố đen nhị phân tồn tại trong vùng lõi của thiên hà Milky Way, hầu hết chúng đều không thể quan sát.
"Theo lý thuyết, ước tính cứ 20 hố đen trong vũ trụ sẽ có một hố đen tìm được ngôi sao đồng hành để tạo thành hố đen nhị phân. Thực hiện phép nhân, chúng ta có khoảng 10.000 hố đen ở trung tâm của dải Ngân hà", Hailey giải thích.
Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện khoảng 60 hố đen khác nằm cách xa vùng lõi của dải Ngân hà. Thiên hà của chúng ta rộng khoảng 100.000 năm ánh sáng và có thể chứa tới 100 triệu hố đen. Những hố đen lớn nhất có thể nặng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần Mặt Trời. "Milky Way là thiên hà có kích thước trung bình, vì vậy, nếu số lượng hố đen lớn như vậy tồn tại, hàng nghìn hố đen phải tập trung ở vùng lõi thiên hà", Hailey khẳng định.
Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature. Đây là bằng chứng đầu tiên cho giả thuyết hố đen trung tâm của mỗi thiên hà được bao quanh bởi hàng nghìn hố đen nhỏ hơn.
Theo Vnexpress