Trung thu đặc biệt của những ‘siêu nhân’

Lan Anh - Lê Na 20/09/2021 06:30

Hành trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết vẫn đang bước tiếp mỗi ngày. Mỗi điểm đến đều đọng lại những cảm xúc riêng nhưng hơn hết là sự yêu thương, chia sẻ. Trên hành trình ấy, chúng tôi đã tìm đến với những bệnh nhi - những “siêu nhân” bé nhỏ tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương khi ngày Tết Trung thu đang về.

Bé Đỗ Minh Khôi lạ lẫm làm quen với các cô chú đến từ chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”. Ảnh: Quang Vinh.

Điều ước giản đơn

Đối với mỗi người, ngày Trung thu có những ý nghĩa đặc biệt, là ngày Tết đoàn viên, sum vầy, được “phá cỗ, trông trăng”. Nhưng đối với nhiều bệnh nhi tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trung thu vẫn là khoảng thời gian các em phải điều trị, vẫn là những mũi tiêm, kim truyền...nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, Trung thu năm nay càng trở nên đặc biệt.

Vừa bước vào sân bệnh viện, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các em nhỏ trên tay vẫn còn đặt những chiếc kim luồn sẵn sàng truyền thuốc, có em đi nạng, có em chỉ mới 3, 4 tuổi, thậm chí có bé nói chưa sõi nhưng đầu đã không còn một sợi tóc do phải xạ trị. Nhưng sau cơn đau, các em vẫn nở nụ cười - những nụ cười hồn nhiên, trong trẻo...

Những bệnh nhi tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương nhận quà từ chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh Quang Vinh.

Chị Định Thị Hạnh (quê ở Thanh Hoá) ngồi nhìn con trai - bé Đỗ Minh Khôi đang lạ lẫm làm quen với chúng tôi. Bé Khôi bị ung thư máu, tóc em đã rụng hết do đợt truyền hoá chất đỏ vừa rồi nhưng vẫn cười tươi khi cầm trong tay chiếc mặt nạ siêu nhân.

“Trông thế thôi mà Khôi vừa “la làng” khi lấy thêm ven em ạ. Truyền nhiều, ven vỡ nên mỗi lần lấy ven là con lại sợ. Hai mẹ con chị cũng chiến đấu được vài đợt tại viện rồi, đợt này đúng vào dịp Trung thu, xa gia đình, chị mong cháu sớm kết thúc đợt điều trị để được về nhà đoàn viên” – chị Hạnh xót xa.

Còn bé Phạm Đoàn Trọng Tấn (4 tuổi, quê ở Nam Định) cũng đang háo hức với chiếc mặt nạ được tặng. “Trung thu là ngày Tết thiếu nhi, con chưa được xem múa lân bao giờ, con muốn được quà,…” – đó là những câu trả lời nhát gừng của Tấn khi được hỏi về ngày Trung thu.

Ảnh: Quang Vinh.

Chỉ có mẹ bé là mắt đỏ hoe khi ngồi bên cạnh. Hai vợ chồng ly thân, bé Tấn sống cùng mẹ. “Khi biết tin con bị bệnh này, tôi đã suy sụp. Nếu được chọn, tôi chỉ mong muốn là người mang bệnh thay con, để con được đến trường, được vui chơi, được đón những cái tết Trung thu như các bạn đồng trang lứa” – mẹ bé Tấn tâm sự.

Mỗi bệnh nhi ở đây đều mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, thời gian điều trị kéo dài. Mỗi em lại có một câu chuyện buồn. Những em lớn tuổi hơn gương mặt thoáng nét trầm lặng, buồn bã. Trung thu gần kề, các em vẫn ở viện, vẫn ngày ngày truyền thuốc và mơ ước về một đêm Rằm trọn vẹn...

“Em chỉ muốn được về nhà” – đó là những lời chia sẻ đơn giản của em Bùi Nguyễn Dương (17 tuổi, quê ở Hải Dương) nhưng đủ để khiến chúng tôi cay xè khoé mắt. Em Dương bị bệnh máu khó đông, quãng thời gian Dương điều trị bệnh chỉ kém số tuổi của Dương 1 năm. Vậy là 16 năm dài, Dương đều đặn điều trị tại viện, những ngày này em đã tự đi điều trị được một mình. Dương cũng không còn đi học như những bạn đồng trang lứa, những ngày không phải điều trị, em đi giao hàng để kiếm thêm thu nhập.

Ánh mắt nheo nheo của Khôi, Tấn hay Dương nhìn chúng tôi qua lớp khẩu trang như gửi đến một nụ cười. Với những em còn quá nhỏ hẳn chưa thể nào hiểu hết được ý nghĩa trọn vẹn của ngày Trung thu, cũng không biết được cuộc đời mình đang phải đối diện với điều gì. Nhưng chính nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của các em đã tiếp thêm sức mạnh cho bố mẹ, tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống.

“Siêu nhân” bé nhỏ gửi đến những nụ cười. Ảnh: Quang Vinh.

Trung thu đặc biệt

Hơn 200 suất quà Trung thu - mỗi món quà trị giá tương đương 25 suất ăn từ chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của báo Đại Đoàn Kết đã được gửi tới tay các em và bố mẹ của các em tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Đón nhận món quà từ Báo Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Văn Anh, bố của em Nguyễn Văn Tuấn Hưng (14 tuổi, quê Hà Nam) cầm chặt trên tay, đôi mắt ngân ngấn nước: “Tết Trung thu gần kề, những món quà như thế này đối với chúng tôi thật sự có ý nghĩa, ấm tình sẻ chia và thiết thực trong hoàn cảnh của gia đình tôi cũng như nhiều bệnh nhi”.

Trung thu này, Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết đã huy động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các nguồn lực xã hội tổ chức và đến tận nơi trao tặng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hà Nội. Chương trình tiếp tục được tiến hành và trao gần 200 phần quà Trung thu cho các trẻ có cha, mẹ hoặc cả hai đang là bệnh nhân nhiễm Covid-19; trẻ em bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai vì Covid-19; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh.

Báo Đại Đoàn Kết trao quà cho các bệnh nhi. Ảnh: Quang Vinh.

Theo nhà báo Lê Anh Đạt, quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, chúng ta vừa cùng các em trải qua mùa khai giảng năm học mới đặc biệt. Và, ngay trước mắt là một Trung thu cũng rất đặc biệt. Nhiều bé đang ở khu cách ly, ở bệnh viện, và rất nhiều bé đã rơi vào cảnh mồ côi khi dịch bệnh đã cướp đi bố mẹ các em. Con số thống kê đưa ra mới đây: Có 1.500 trẻ tại TP HCM mồ côi vì đại dịch Covid 19. Một con số khiến trái tim người lớn đau nhói.

Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định, sự mất mát ấy khiến bất kỳ bù đắp nào của chúng ta cũng là chưa đủ đối với các bé. Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động từ 1/9/2021 đã đến với người nghèo, người vô gia cư, người mắc bệnh nan y và các công nhân mắc kẹt, nhưng rất đặc biệt khi đến chia sẻ đến những đứa trẻ ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và tâm dịch Covid-19 TP HCM. Đằng sau một đứa bé là một câu chuyện, một bi kịch gia đình. Chúng ta thử đặt câu hỏi: 1.500 đứa bé ở TP HCM sẽ xoay xở thế nào để lớn lên khi không có bố mẹ bên cạnh?

“Không chỉ quan tâm mỗi dịp Trung thu, mà với những đứa trẻ thiệt thòi, chịu di chứng nặng nề của dịch, đặc biệt là những bé không còn bố mẹ trên đời, chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn nữa, thiết thực hơn, thường xuyên hơn nữa để các em được lớn lên, được học hành. Với trách nhiệm của cơ quan báo chí, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục lan tỏa những việc làm có ý nghĩa của tổ chức, cá nhân chăm lo cho trẻ em nói riêng và người yếu thế nói chung, và tổ chức huy động vật chất, tinh thần góp sức cùng xã hội trong hành trình chăm lo cho những người kém may mắn. Bởi vậy Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid - 19” sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng chăm lo, và không ngừng kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành, vì cuộc sống tốt đẹp hơn...” - Nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Thấm đẫm tinh thần tương thân, tương ái

Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết, dường như đúng với tên gọi của tờ báo - “Đại Đoàn Kết”. Không chỉ với ý nghĩa người dân chúng ta cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, chương trình còn mang đậm ý nghĩa về sự thương yêu, đùm bọc giữa con người với con người. Trong thời điểm này, đúng vào dịp Trung thu, Báo Đại Đoàn Kết đặc biệt quan tâm đến những bệnh nhi – những đứa trẻ đang chịu nhiệt thiệt thòi bởi bệnh tật. Với chương trình thiện nguyện này chúng ta đã thấy được sự “thấm đẫm” của tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta.

Bà Lý Thị Hảo, Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Món quà ý nghĩa

Năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên không thể tổ chức các hoạt động vui Trung thu cho các bệnh nhi như mọi năm nên Viện đã kết nối nhiều đơn vị, tổ chức thiện nguyện để chuyển những tình cảm, sự yêu mến của cộng đồng đến với các em nhỏ. Đối với chương trình của Báo Đại Đoàn Kết, các gia đình bệnh nhi đều trân quý từng món quà khi được nhận, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này. Món quà của chương trình không chỉ mang ý nghĩa góp phần tạo cho các bé có một Trung thu ý nghĩa mà còn hỗ trợ bố mẹ các em thêm một phần để trang trải trong sinh hoạt hàng ngày.

Lan Anh (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung thu đặc biệt của những ‘siêu nhân’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO