Trùng tu di sản: Không thể mỗi nơi một kiểu

NAM DƯƠNG 24/10/2023 07:36

Việc tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người giai đoạn 2025-2030. Song, đề án lần này sẽ thắp lên hy vọng cho các di tích xuống cấp hay vẫn chỉ là ước mơ khi công tác trùng tu di tích ở các địa phương hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập? Vấn đề đặt ra với Chương trình mục tiêu quốc gia là ngành văn hóa cần biến đó thành kim chỉ nam dẫn lối cho các cơ quan quản lý văn hóa các cấp để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi trùng tu một kiểu không những gây lãng phí, mà còn mất đi những giá trị truyền thống.

Phối cảnh điện Kiến Trung (Thừa Thiên - Huế) sau khi trùng tu. Ảnh tư liệu.

Tùy tiện mạnh ai nấy làm

Tính đến nay, trong hơn 41.000 di tích tại Việt Nam được thống kê, là có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Số lượng di tích tập trung nhiều nhất ở miền Bắc, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc mỹ thuật chiếm đa số. Và đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm nhiều hơn mỗi khi đề cập đến việc trùng tu, bảo tồn giá trị nguyên trạng của di tích.

Vì vậy, áp lực lên ngành văn hóa là rất lớn. Theo đề án, đến năm 2030, một trong những mục tiêu được chương trình đầu tư kinh phí là 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Nếu trông chờ vào nguồn kinh phí từ Nhà nước thì khó có thể thực hiện công tác trùng tu trên diện rộng. Vậy nên, cần có sự huy động từ nguồn lực xã hội hóa.

Tuy vậy, không phải di tích nào cũng có thể huy động nguồn lực lớn từ xã hội. Bởi có nhiều di tích dù có lịch sử lâu đời, lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật lớn, nhưng do nằm ở vị trí giao thông không thuận tiện, nên chưa đón được nhiều du khách tới thăm. Đây là niềm trăn trở của ni sư Thích Minh Nguyệt, chùa Bảo Tháp (Thanh Trì, Hà Nội).

Theo lời ni sư, do vị trí không thuận tiện nên chùa vắng bóng khách thập phương về lễ bái, nên dường như chùa bị lãng quên. Vì vậy, phần lớn nguồn kinh phí tu sửa chùa đều phụ thuộc vào sự đóng góp của nhân dân địa phương. Nhưng khả năng của bà con cũng chỉ có hạn, nên có kinh phí đến đâu, nhà chùa cho tu sửa đến đấy. Khuôn viên trước chùa được xây dựng thêm một số công trình phụ, như vườn hoa, hòn non bộ…

Cùng với đó, tường phía ngoài chùa được sơn lại bằng các loại sơn công nghiệp. Trong khi đó, cung tổ xuống cấp trầm trọng. Qua quan sát, có thể thấy, các trụ cột gỗ bị mối mọt, mái bị xô nghiêng, đổ về một phía, có dấu hiệu có thể sập bất cứ lúc nào. Thông thường khi quét dọn, sư thầy không cho người khác vào, vì công trình không còn đảm bảo tính an toàn.

Chính vì vậy, tổng thể kiến trúc của di tích thiếu tính đồng nhất. Nhà chùa cùng bà con đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, chính quyền đã phản hồi lại người dân là đang xem xét, và cũng cho nhóm thợ về chùa đo đạc, đánh giá hiện trạng. Nhưng đến nay vẫn chưa đưa cho nhân dân địa phương thời gian cụ thể sẽ tiến hành trùng tu. Với những di tích ở địa phương như vậy, ngành văn hóa phải chăng đành chấp nhận bỏ mặc cho những giá trị lịch sử, văn hóa ấy phải đối diện với sự xâm hại của thời gian vì không đủ khả năng hỗ trợ?

Còn với nhiều di tích huy động được nguồn lực xã hội hóa, cũng tồn tại không ít vấn đề nhức nhối. Một số địa phương tự bỏ tiền ra tùy tiện mở rộng diện tích, tu sửa cho mới hơn, đẹp hơn theo quan niệm thẩm mỹ của một số thành viên trong cộng đồng dân cư ấy. Thậm chí, có trường hợp nhiều hạng mục công trình cũ phải hạ giải, hệ thống tượng thờ cũ bị thay mới. Nhưng không thể không thông cảm cho những người địa phương. Việc trùng tu di tích theo cảm tính như vậy, âu cũng xuất phát từ mong muốn có một không gian khang trang hơn để thuận tiện trong việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, vì họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về di sản, nên chưa thực sự chú trọng đến việc cần phải bảo tồn những giá trị lịch sử, mỹ thuật mà di tích hiện lưu giữ được.

Cùng với đó, hiện nay, rất khó có thể tìm kiếm được những vật liệu xây dựng giống với vật liệu cũ. Trong khi đó, các vật liệu xây dựng công nghiệp sẵn có, giá thành rẻ, rất dễ mua trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan văn hóa địa phương cũng thiếu sát sao, chưa thấu hiểu những nguyện vọng của bà con.

Dù dựa vào kinh phí xã hội hóa, nhưng chính quyền và cơ quan văn hóa cấp địa phương cần phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc định hướng quản lý, ban hành quy trình trùng tu, tôn tạo được chuẩn hóa. Để có quy trình thi công chuẩn chỉnh, cần có sự bàn luận, trao đổi trực tiếp giữa chính quyền và người dân địa phương. Đồng thời, cơ quan quản lý phải hiểu được, di tích được trùng tu, trước tiên là phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của chính cộng đồng cư dân ở địa phương ấy. Sau mới là phục vụ cho nhu cầu tham quan, chiêm bái của khách thập phương. Vì thế, trong quá trình trao đổi, tiến hành thi công, người làm văn hóa cần có sự lắng nghe, ghi nhận những ý kiến góp ý.

Chùa Tây Phương (Hà Nội) đang được đề nghị trùng tu, tôn tạo do có nhiều hạng mục xuống cấp, có nguy cơ đổ sập. Ảnh: Hà Chi

Cần tôn trọng tính nguyên mẫu của di tích

Trước đây, một công trình chỉ đáp ứng cho một bộ phận cư dân tại địa phương, nên quy mô vừa đủ. Còn bây giờ, các di tích đều hướng đến việc thu hút khách du lịch, lượng khách tham quan nhờ thế mà đông hơn trước đây.

Số lượt khách có thể lên tới hàng ngàn người một ngày. Do đó, các di tích bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo lại không gian sao cho bảo đảm giống với nguyên mẫu nhất có thể, cũng cần xây dựng thêm các công trình phụ trợ, để đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương. Bên cạnh đó, có thể trưng bày các hiện vật gắn với vị danh nhân văn hóa được phụng thờ tại di tích, hay hiện vật khảo cổ được khai quật tại di tích. Song, cần chú trọng đến việc kiến trúc của các công trình phụ trợ phải hài hòa với kiến trúc của công trình chính, để không phá vỡ cảnh quan.

Ở góc nhìn khác, câu chuyện trùng tu di tích còn nghịch lý ở chỗ, có di tích thì đang mong ngóng từng ngày được tu sửa, lại có di tích dù được cơ quan văn hóa có thẩm quyền, kiến thức chuyên môn cao, chủ trì việc trùng tu, nhưng khi tiến hành lại thiếu chính xác, thiếu khoa học. Điều này xâm hại đến giá trị lịch sử, thẩm mỹ vốn có của di tích.

Việc thi công ở địa phương thiếu kinh nghiệm đã đành, với một số di tích, dù được cơ quan văn hóa cấp tỉnh thành trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng, thuê nhân công vẫn xảy ra tình trạng trùng tu sai, chưa đạt chất lượng. Đó là trường hợp của đình làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội). Trên phần mái nhà tả vu tại đình, cấu kiện gỗ đỡ rìa mái phía sau lắp không đúng vị trí. Được biết, gian nhà tả vu là nơi thờ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần - hai ông tổ mang nghề rèn từ Thanh Hóa ra dạy cho dân làng Đa Sỹ. Việc để xảy ra sai sót ở không gian linh thiêng như vậy, gây mất thẩm mỹ, đồng thời, gây tâm lý bất an trong cộng đồng.

Trong quá trình tu sửa, ông Lê Văn Mơ, thủ từ đình Đa Sỹ cùng nhiều người dân địa phương có góp ý với đội thợ thi công, nhưng phản hồi lại họ là câu trả lời “Làm theo bản thiết kế được cấp trên giao cho”. Điều đó cho thấy, ngay cả những công trình trùng tu, tôn tạo có sự tham gia, thị sát của chính quyền vẫn để xảy ra sai sót không đáng có.

Mái ngói của chùa Bảo Tháp (Thanh Trì, Hà Nội) bị xô về một phía, có khả năng bị đổ sập. Ảnh Nam Dương.

Đưa công nghệ vào bảo tồn

Trong lịch sử, hầu hết các công trình được xây dựng đều không có hoặc không lưu giữ được bản thiết kế. Cho nên, qua mỗi lần xây dựng lại, các công trình đã có sự biến đổi theo phong cách mỹ thuật đương thời. Nhằm khắc phục hạn chế đó, hiện nay, có một số di tích đã được số hóa và đưa lên không gian mạng.

Song, số lượng di tích được tiến hành số hóa chưa nhiều. Nếu so với số lượng các di tích khổng lồ trên khắp cả nước thì con số ấy còn quá khiêm tốn. Trước thực trạng sau mỗi lần trùng tu là một lần “thay da đổi thịt” ở một số địa phương, đối với những di tích hiện vẫn còn giữ được nguyên vẹn hay gần như nguyên trạng, cơ quan văn hóa cấp địa phương cần sớm chủ động tiến hành scan 3D. Việc làm này giúp cho những du khách ở xa có thể dễ dàng tiếp cận gần hơn với di tích. Đồng thời, đây cũng là căn cứ chính xác cho những lần trùng tu tiếp theo.

Bên cạnh di tích, nhiều hiện vật trưng bày bên trong cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ các cột kèo gỗ bị mối mọt xâm hại, nhiều pho tượng quý trong chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội), được công nhận là bảo vật quốc gia cũng xuất hiện tình trạng lở lói trong một thời gian dài, nhưng chưa được khắc phục. Ở một số di tích, gặp phải tình trạng này, người trực tiếp quản lý di tích ấy cùng người dân địa phương tự tiện thay đổi sang đồ thờ tự mới. Hoặc, có nơi tùy tiện sơn màu sơn công nghiệp hay dát vàng lên hiện vật, khiến hiện vật trở nên xa lạ.

Ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động bảo tàng. Còn đối với hiện vật ở các di tích lịch sử chưa được đại diện từ phía Cục đề cập tới. Song, ông cũng cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, Cục có kế hoạch xây dựng 2 trung tâm bảo quản, một là trung tâm bảo quản các hiện vật chất liệu thông thường như gỗ, đá, kim loại… dự kiến đặt ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hai là trung tâm tu sửa mỹ thuật, đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ở một số nước phương Tây, việc bảo quản hiện vật đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề bảo quản hiện vật từ những năm 1950. Đồng thời, người ta có mang hiện vật của bảo tàng, di tích hay chính gia đình mình đến các trường đại học, để các chuyên gia, sinh viên phục chế lại. Còn ở nước ta, các Trường Đại học Mỹ thuật cũng chưa thành lập chuyên ngành đạo tào về phục chế, bảo quản các cổ vật. Cùng với đó, phần lớn các cán bộ đảm nhiệm công việc này đều chỉ qua các khóa học tập huấn ngắn hạn, mà chưa được đào tạo chuyên sâu.

Vì thế, việc bảo quản hiện vật trong nước còn bị phụ thuộc sự giúp sức của các cơ quan, tổ chức nước ngoài. Hoặc không thiếu trường hợp cán bộ bảo tàng dù học qua lớp tập huấn nhưng vẫn bảo quản hiện vật sai phương pháp.

Vì vậy, dù lên kế hoạch cho việc xây dựng trung tâm bảo quản hiện vật muộn hơn các quốc gia phương Tây cả nửa thế kỷ, nhưng còn hơn là không có. Bởi nhờ những trung tâm của Nhà nước, có chuyên môn cao như vậy, mới đủ sức hỗ trợ cho các cổ vật đang nằm chờ được phục chế rải rác ở nhiều địa phương. Thiếu đi trung tâm này, các địa phương mất phương hướng trong việc bảo quản, tu sửa hiện vật cổ.

Như vậy, đề án chấn hưng, phát triển văn hóa khi được công bố không nên quá đặt nặng mục tiêu trong vòng 10 năm phải có hoàn thành mục tiêu. Nhà quản lý cần chú trọng nhiều hơn đến việc bảo tồn cho đúng với nguyên mẫu nhất có thể. Còn đối với những di tích lịch sử - văn hóa được xây dựng lại hay xây dựng thêm công trình phụ trợ, kiến trúc mới cần hài hòa với cảnh quan.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành văn hóa cần biến đó thành kim chỉ nam dẫn lối cho các cơ quan quản lý văn hóa cấp địa phương. Không thể để xảy ra tình trạng phân cấp, phân quyền quản lý, sau đó mỗi địa phương lại tiến hành theo một phương thức khác nhau, thiếu khoa học, thiếu đồng nhất. Điều này không những gây lãng phí, mà còn làm xói mòn những giá trị truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trùng tu di sản: Không thể mỗi nơi một kiểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO