Hà Nội vừa quyết định sẽ dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn và khó, việc triển khai đòi hỏi tính khoa học, thận trọng, tránh tái diễn việc tôn tạo nhưng lại trở thành xâm hại như đã xảy ra ở một số di tích trong thời gian qua.
Di tích xuống cấp được đầu tư
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giai đoạn 2013 - 2020, số lượng di tích trên địa bàn thành phố xuống cấp lớn nhưng các địa phương thiếu nguồn lực, kinh phí bảo quản, tu bổ. Tình trạng di tích xuống cấp nhiều tập trung chủ yếu ở các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ…, trong đó nhiều di tích xuống cấp trầm trọng.
Với 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp nhiều năm qua, song tình trạng này chưa cải thiện nhiều.
Điển hình như chùa Tre tại thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) đang đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Người dân đã gia cố tạm bằng việc phủ bạt để tránh mưa bão, thậm chí còn treo tấm biển trước cửa chùa để cảnh báo nguy hiểm…
Bên cạnh đó, nhiều di tích khi có nguồn vốn đầu tư nhưng thời gian thực hiện thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ còn kéo dài, quy trình phức tạp, nhiều chỗ chồng chéo, gây khó khăn cho công tác này và phát huy giá trị di tích tại địa phương.
Việc cam kết nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cơ cấu nguồn vốn cũng như đảm bảo tính khả thi của việc huy động nguồn vốn xã hội hóa khiến địa phương gặp lúng túng trong triển khai.
Với việc Hà Nội quyết định dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích, giai đoạn 2021-2025 đã tạo ra luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, tu bổ, tôn tạo di tích là 1 trong 3 lĩnh vực thành phố quan tâm đầu tư lớn ở giai đoạn 2021-2025. Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai bởi việc tu bổ, tôn tạo di tích không đơn thuần là một công trình xây dựng mà nó hàm chứa yếu tố văn hóa, tâm linh nên cần thận trọng.
Thận trọng khi tu bổ
PGS. TS Nguyễn Lân Cường đánh giá cao sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với số phận của những di tích. Song với những gì đã xảy ra tại nhiều di tích trên địa bàn thành phố trong quá trình tu bổ lại khiến ông tỏ rõ sự lo ngại.
“Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là việc làm rất kịp thời, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là sửa như thế nào lại là một vấn đề. Khi tu sửa không thể làm theo kiểu đập bỏ xây mới. Những kèo, cột… còn giữ lại được thì cần phải giữ. Đây là điều cần phải cảnh báo trước” - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, trước đây đã xảy ra tình trạng có tiền đầu tư tu bổ di tích là những giá trị gốc của di tích bị đập bỏ, xây lại mới hoàn toàn khiến người ta không còn nhận ra di tích cũ, việc này cần phải tránh. Khi tu sửa cần cố gắng giữ lại nhiều nhất những giá trị nguyên bản. Để làm được điều đó, việc giám sát thi công phải được thực hiện sát sao, không thể giao khoán cho đơn vị thi công mà cần phải có hội đồng khoa học tham gia trực tiếp để giám sát và góp ý kiến.
Điển hình như việc tu sửa ở di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) năm 2021 đã xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến việc mất đi giá trị gốc của di tích. Hay như việc đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình nằm cách trung tâm thị trấn, phòng văn hóa của UBND huyện có mấy trăm mét, nhưng việc để người ta thay cả một cái cổng đình cán bộ cũng không biết, đến khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thì mới tá hỏa. Gần đây nhất là sự tùy tiện trong tu bổ diễn ra ở di tích cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến dư luận và những chuyên gia văn hóa bức xúc…
Cũng không ít người lo ngại vấn đề quản lý về di tích hiện nay còn mang tính thủ tục hành chính, có nghĩa là theo văn bản báo cáo từ dưới lên trên, người trực tiếp quản lý không thể đến hết được tận nơi các di tích để đánh giá xem di tích đó có thực sự cần thiết phải trùng tu hay không, nếu có thì nên làm ở hạng mục nào…
Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Lân Cường, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng việc đầu tư cho tu bổ, bảo tồn di tích là sự kịp thời, cho thấy thành phố Hà Nội đang rất quan tâm và coi trọng những giá trị của văn hóa.
“Tu bổ di tích cần làm đúng nguyên tắc. Chúng ta đã có nhiều bài học về việc di tích trăm năm tuổi bị thay mới ngay sau trùng tu, vì vậy cần phải hết sức thận trọng” - ông Huy nhấn mạnh.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giai đoạn 2013-2020, số lượng di tích trên địa bàn xuống cấp lớn nhưng các địa phương thiếu nguồn lực, kinh phí bảo quản, tu bổ. Tình trạng di tích xuống cấp nhiều tập trung chủ yếu ở các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thường Tín..., trong đó nhiều di tích xuống cấp trầm trọng.